MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chế tài phạt đối tượng trong vụ cản trở, dùng gạch đập xe cấp cứu

Thành Nhân LDO | 08/06/2023 15:48

Công an thành phố Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh) đã tiến hành triệu tập, lấy lời khai 3 đương sự có liên quan đến vụ cản trở, dùng gạch đập xe cấp cứu, xảy ra vào chiều ngày 31.5 tại phường 7 (TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh). Với hành vi trên, các đối tượng sẽ phải đối diện chế tài như thế nào?

Trao đổi với PV Báo Lao Động, luật sư Nguyễn Văn Đức - Văn phòng Luật sư Vạn Lý (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ) - cho biết, xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới, không bị hạn chế tốc độ, được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.

Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không gây cản trở xe được quyền ưu tiên. Việc cản trở xe được quyền ưu tiên tùy vào tính chất mức độ sai phạm, người vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự.

Cụ thể, tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP ngày 28.12.2021 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải, giao thông đường bộ, đường sắt, hàng không dân dụng quy định: “Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không nhường đường hoặc gây cản trở xe được quyền ưu tiên đang phát tín hiệu ưu tiên đi làm nhiệm vụ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng”.

Ngoài ra, trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền điều tra, nếu xác định đối tượng trong sự việc có hành vi cản trở xe cứu thương đang đi làm nhiệm vụ, gây thiệt hại sức khỏe hoặc gián tiếp gây ảnh hưởng tới tính mạng của bệnh nhân do không cấp cứu kịp thời, đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.

Công an thành phố Trà Vinh đã tiến hành triệu tập, lấy lời khai 3 đương sự có liên quan đến vụ cản trở, dùng gạch đập xe cấp cứu, xảy ra vào chiều ngày 31.5 tại phường 7 (TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh). Ảnh: Công an cung cấp.

Luật sư Nguyễn Văn Đức cũng nhận định, qua hình ảnh clip ghi lại, nam thanh niên có một chuỗi hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cần nghiêm trị.

Trước mắt, cơ quan điều tra có thẩm quyền khởi tố vụ án đối với hành vi "hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản".

Để có căn cứ xử lý hành vi này cơ quan tố tụng trưng cầu để biết giá trị bị thiệt hại, trên cơ sở đó mới quyết định khởi tố bị can hay không?

"Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, nam thanh niên có thể bị xử lý hình sự. Căn cứ mức độ nguy hiểm của hành vi, nam thanh niên có thể bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc bị phạt tù tối đa là 20 năm tù giam. Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng", Luật sư Đức thông tin.

Trước đó, Báo Lao Động đã thông tin, ngày 5.6, Công an thành phố Trà Vinh đã tiến hành triệu tập, lấy lời khai 3 đương sự có liên quan đến vụ cản trở, dùng gạch đập xe cấp cứu, xảy ra vào chiều ngày 31.5 tại phường 7 (TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh).

Theo Công an thành phố Trà Vinh, sự việc xảy ra vào chiều ngày 31.5, xe cấp cứu chở bệnh nhân từ Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) về Bệnh viện Thiên Ân (thành phố Trà Vinh) để tiếp tục điều trị bệnh. Khi đến đường Nguyễn Đáng (đoạn thuộc phường 7, thành phố Trà Vinh), thấy có 2 xe môtô chạy cùng chiều phía trước nên tài xế xe cấp cứu bấm còi ưu tiên và vượt lên phía trước.

Sau đó, nhóm người này chạy theo, khi đến gần Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trà Vinh thì chặn xe, dùng gạch, đá ném làm hư hỏng xe cấp cứu, rồi điều khiển xe bỏ chạy. Vụ việc được camera của người đi đường ghi lại và lan truyền trên mạng xã hội, gây bức xúc dư luận trước hành động của nhóm người nói trên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn