MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đoàn xe phân khối lớn gây náo loạn đường phố bị cảnh sát dừng kiểm tra. Ảnh: T.Hà

Chế tài xử lý nhóm đi xe phân khối lớn, độ pô, náo loạn đường phố Hà Nội

Việt Dũng LDO | 05/04/2022 14:46
Luật sư cho rằng, việc nhóm thanh niên đi xe phân khối lớn, độ pô tạo ra tiếng gầm rú, gây náo loạn đường phố Hà Nội, pháp luật có những chế tài xử lý.

Đêm 2.4, lực lượng tổ công tác 141 hoá trang và công khai Công an Hà Nội đã phát hiện, chốt chặn và dừng kiểm tra với gần 10 xe phân khối lớn, chạy tốc độ cao, gầm rú pô gây náo loạn đường phố, tại khu vực đường Võ Chí Công, quận Tây Hồ.

Nhóm này là những thanh niên liên lạc qua mạng xã hội để quay tiktok. Có thành viên nhóm thừa nhận đã "độ" pô.

Vụ việc sau đó được chuyển cho Công an phường Xuân La (quận Tây Hồ) tiếp tục xử lý theo quy định pháp luật.

Theo dõi vụ việc, luật sư Nguyễn Minh Long - Giám đốc Công ty Luật TNHH Dragon, Đoàn Luật sư Hà Nội cho hay, việc tài xế độ pô xe máy nhằm mục đích thay đổi kết cấu pô xe, khiến tiếng nổ to hơn bị nghiêm cấm theo quy định của pháp luật. Luật giao thông đường bộ năm 2008 có quy định như sau:

Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm: Lắp đặt, sử dụng còi, đèn không đúng thiết kế của nhà sản xuất đối với từng loại xe cơ giới; sử dụng thiết bị âm thanh gây mất trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng”.

Hành vi độ pô xe sẽ bị xử phạt theo quy định tại Khoản 5 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, cụ thể:

Điều 30. Xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ: Phạt tiền từ 800.000 - 2 triệu đồng với cá nhân, từ 1,6 - 4 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe môtô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây: Tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe.

Nếu đã độ pô gây ồn ào, mất trật tự ảnh hưởng đến mọi người xung quanh thì còn có thể bị xử phạt hành chính về hành vi này. Nghị định số 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình quy định như sau: 

“Điều 8. Vi phạm quy định về bảo đảm sự yên tĩnh chung

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Gây tiếng động lớn, làm ồn ào, huyên náo tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau;

b) Không thực hiện các quy định về giữ yên tĩnh của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, nhà điều dưỡng, trường học hoặc ở những nơi khác có quy định phải giữ yên tĩnh chung;”

Cũng theo ông Long, Cơ quan công an sẽ kiểm tra giấy tờ xe, giấy phép lái xe, có vượt quá tốc độ cho phép hay không, có nồng độ cồn hay dương tính với ma túy, chất kích thích trong khi điều khiển phương tiện hay không.

Trong trường hợp không có đủ giấy tờ thì sẽ xử lý theo Nghị định số 123/2021 sửa đổi bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải, giao thông đường bộ, đường sắt, hàng không dân dụng.  

Điều 21. Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới:

2. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Người điều khiển xe môtô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực;

b) Người điều khiển xe môtô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không mang theo Giấy đăng ký xe.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn