MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội bị xử lý ra sao?

Việt Dũng LDO | 16/06/2021 09:30

Từ vụ việc phóng viên của Báo điện tử VOV bị chiếm đoạt tài khoản Facebook, luật sư cho rằng các hành vi vi phạm đó đều bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), cho rằng, việc hack tài khoản mạng xã hội của các hacker có nhiều mục đích, động cơ khác nhau.

Song, dù với bất kỳ mục đích, động cơ nào thì hành vì cố tình xâm nhập trái phép vào tài khoản cá nhân của người khác trên không gian mạng là hành vi vi phạm pháp luật, bị nghiêm cấm.

Luật An ninh mạng 2018 quy định nghiêm cấm hành vi xâm phạm bí mật cá nhân và đời sống riêng tư trên không gian mạng, bao gồm: Chiếm đoạt, mua bán, thu giữ, cố ý làm lộ thông tin bí mật cá nhân và đời sống riêng tư gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

Cố ý xóa, làm hư hỏng, thất lạc, thay đổi thông tin thuộc bí mật cá nhân và đời sống riêng tư được truyền đưa, lưu trữ trên không gian mạng; Cố ý thay đổi, hủy bỏ hoặc làm vô hiệu hóa biện pháp kỹ thuật được xây dựng, áp dụng để bảo vệ thông tin thuộc bí mật cá nhân và đời sống riêng tư;

Hành vi khác cố ý xâm phạm bí mật cá nhân và đời sống riêng tư; Đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật cá nhân và đời sống riêng tư trái quy định của pháp luật;…

Hành vi truy cập trái phép vào Facebook của người khác là hành vi vi phạm pháp luật.

Tùy vào tính chất mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người vi phạm có thể bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Như vậy, nếu chỉ hack Facebook người khác chỉ bị phạt hành chính 10 triệu đồng. Nhưng nếu với mục đích xâm nhập thu thập thông tin, thay đổi, xóa bỏ thông tin… hành vi này sẽ bị phạt đến 50 triệu đồng, theo Nghị định 15 năm 2020 của Chính phủ.

Ngoài ra, hack Facebook người khác dù chưa bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính nhưng thu lợi bất chính có giá trị lớn hoặc ảnh hưởng lớn đến uy tín của người khác; tiết lộ các thông tin đã chiếm đoạt, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác.... thì vẫn có thể bị xử lý hình sự.

Cụ thể, trường hợp hành vi vi phạm bí mật điện tín điện thoại ở dạng đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông gây hậu quả nghiêm trọng thì người vi phạm còn có thể bị xử lý hình sự về "Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông".

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Minh Long (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, hành vi trên nếu sai phạm phải xử lý hình sự thì người vi phạm có thể bị khởi tố về tội "Cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử" hay tội "Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác".

Trước đó, thông tin từ Báo điện tử VOV, từ tối 12.6, việc truy cập vào Báo điện tử Vov.vn đã gặp khó khăn, đường truyền bị chậm. Đến 12h ngày 13.6, độc giả hoàn toàn không truy cập được vào đường link Vov.vn.

Theo bộ phận kỹ thuật của Báo điện tử Đài tiếng nói Việt Nam, đây là kết quả của cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DDoS) làm tràn băng thông, khiến việc truy cập vào báo bị tê liệt. Đồng thời, Fanpage của tờ báo này cũng nhận hàng chục ngàn bình luận mang tính tiêu cực, công kích.

Sau đó, một số phóng viên, lãnh đạo của báo điện tử này bị gọi điện, nhắn tin chửi bới, nhục mạ, đe dọa.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn