MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Đào Kiều Lâm - Giám đốc Công ty Minh Phương, chủ biệt thự Tam Đảo tại phiên toà phúc thẩm. Ảnh: V.Dũng

Chủ biệt thự Tam Đảo xin nộp bồi thường ngay số tiền 13 tỉ đồng tại toà

Việt Dũng LDO | 28/09/2021 17:33
Trước đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát phúc thẩm, chủ biệt thự Tam Đảo - ông Đào Kiều Lâm mong được bồi thường ngay tại toà 13 tỉ thay cho Trịnh Xuân Thanh.

Chiều 28.9, luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo, đại diện Công ty Mai Phương đã đối đáp sau khi Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Hà Nội đề nghị Toà án nhân dân Cấp cao tại Hà Nội bác toàn bộ kháng cáo của 6 người xin giảm nhẹ hình phạt, miễn trách nhiệm dân sự... trong vụ án sai phạm xảy ra tại dự án Ethanol Phú Thọ.

Trong phần trình bày, đại diện Công ty Mai Phương cho rằng việc Viện Kiểm sát có quan điểm về hướng giải quyết lô đất như trên là chưa thấu đáo. Việc bán lô đất trên là ngay tình, ông Đào Kiều Lâm đã phải huy động, vay mượn tiền để mua. Toà sơ thẩm không có cơ sở nào để đưa ra phán quyết việc trả lô đất cho PVC.

Theo đại diện Công ty, thực tế PVC không thể là chủ sở hữu của lô đất. Lô đất này không phải là vật chứng của vụ án. Tại thời điểm khởi tố vụ án, số tiền góp vốn của PVC vào PVC Kinh Bắc đã chuyển thành tài sản là lô đất.

Toà án cần phải xem xét yếu tố người thứ 3 ngay tình là Công ty Mai Phương. Ngoài ra, không có hồ sơ chứng minh việc Đỗ Minh Hồng (cựu Giám đốc PVC Kinh Bắc) dùng tiền tạm ứng để mua mảnh đất trên. Vì thế, càng có cơ sở để xác định lô đất này không phải là vật chứng của vụ án.

Trình bày tại tòa, ông Kiều Đào Lâm (Giám đốc Công ty Mai Phương) đã đề nghị Tòa chấp thuận cho Công ty đứng ra bồi thường thay cho Trịnh Xuân Thanh đối với khoản nợ 13 tỉ đồng cho PVC. Ông Lâm tiếp tục nhắc lại lời đề nghị này và hỏi Hội đồng xét xử có chấp thuận đề nghị của ông không.

Để mua lại mảnh đất này, ông Lâm cho biết, đã phải vay mượn rất nhiều và phải đầu tư thêm 5 tỉ đồng để cải tạo, sửa chữa nhà trên khu đất. Việc này ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống gia đình và con cái.

Hiện, ông Lâm đã vay mượn đủ tiền, nếu toà chấp thuận, Công ty Mai Phương xin phép được nộp ngay để bồi thường thay cho Trịnh Xuân Thanh, khắc phục hậu quả cho PVC và mong nhận lại lô đất.

Trong khi đó, luật sư của bị cáo Vũ Thanh Hà - cựu Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hoá dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí - PVB cho rằng thân chủ làm theo chỉ đạo của ông Đinh La Thăng (cựu Chủ tịch HĐQT PVN), rằng thiệt hại đã xảy ra khi thân chủ ông nghỉ việc.

Các vấn đề trên được đại diện Viện Kiểm sát đối đáp trong chiều nay.

Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, lẽ ra phải đấu thầu quốc tế dự án lần đầu tiên thực hiện ở Việt Nam. PVC chưa có bất cứ kinh nghiệm, công nghệ để thực hiện dự án này.

Song, ông Đinh La Thăng đã chỉ đạo chuyển đấu thầu quốc tế rộng rãi sang chỉ định thầu. "Qua đó đã phát sinh ra hành vi vi phạm của các bị cáo", đại diện Viện Kiểm sát nói.

"Việc chỉ định thầu là khởi đầu, quyết định dẫn đến sai phạm của các bị cáo trong dự án", Viện Kiểm sát khẳng định. Việc đánh giá vai trò của bị cáo Hà đứng thứ ba trong vụ án là hợp lý.

Nhiều luật sư cho rằng hậu quả vụ án, cách tính lãi suất không hợp lý, trong khi Viện Kiểm sát cho rằng, cơ quan công tố đã tính toán có lợi nhất cho các bị cáo, thực tế hậu quả còn lớn hơn rất nhiều, chứ không phải 543 tỉ đồng.

Với phần trình bày trả thay 13 tỉ đồng thay cho Trịnh Xuân Thanh, Đỗ Văn Hồng, Viện Kiểm sát thấy, lô đất trên được bán cho ông Đào Kiều Lâm 45 tỉ đồng. Như vậy, Trịnh Xuân Thanh đã hưởng lợi số tiền chênh lệch.

Chính vì vậy, việc ông Lâm đề nghị trả thay không chấp nhận được. Việc mua bán là công khai rõ nét, chính vì vậy, bản án sơ thẩm đã xác định dành quyền cho Công ty Mai Phương trong một bản án khác.

Sau phần trên, 6 người kháng cáo mong toà giảm trách nhiệm hình sự, miễn trách nhiệm dân sự.

Chiều mai (29.9) toà tuyên án.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn