MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện trang bị san ủi nham nhở ở chân núi Chín Khúc, Khánh Hòa. Ảnh: Thanh Hải

Chủ đầu tư nói gì khi 2 dự án trên núi Chín Khúc bị khởi tố ở Khánh Hòa?

Nhóm Phóng viên LDO | 18/06/2021 14:52

Có đến 2 trong 3 dự án vừa bị khởi tố ở Khánh Hòa khiến 5 cựu quan chức cấp cao của tỉnh này bị bắt giam thuộc khu vực núi Chín Khúc. Báo Lao Động có một cuộc phỏng vấn riêng với Chủ đầu tư các dự án này.

Cả 2 dự án vừa bị khởi tố là "Khu sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và dự án biệt thự sông núi Vĩnh Trung đều chung 1 nhà đầu tư là Công ty TNHH Sản xuất và Xây dựng Khánh Hoà. Chủ doanh nghiệp này là ông Nguyễn Khánh Hòa, thường trú tại TP.Nha Trang. Ông Hòa không tiếp xúc, trả lời báo giới sau khi 2 dự án mình đầu tư bị khởi tố. Đồng ý trả lời phỏng vấn báo Lao Động nhưng ông Hòa không cho ghi hình.

- Cảm giác của ông bây giờ như thế nào sau khi cả 2 dự án trên núi Chín Khúc bị khởi tố?

Tất nhiên là tôi rất phiền lòng. Buồn vì các lãnh đạo cấp cao của tỉnh vì liên quan đến các dự án của mình mà bị khởi tố, bắt giam. Dự án với bao nhiêu tâm huyết và công sức giờ phải ngưng trệ, tạm dừng. Dù chúng tôi đã tự lực, dùng công sức và thiết bị tự có của mình thi công, nhưng tổng đầu tư vào dự án đó lên đến hàng trăm tỉ đồng rồi.

- Ông có lo sợ về trách nhiệm cá nhân với tư cách chủ dự án khi bị khởi tố với hàng loạt sai phạm?

Tôi đã nhiều lần làm việc với cơ quan điều tra. Tuy nhiên, tôi khẳng định là doanh nghiệp mình không sai phạm. Công ty chúng tôi xin giao đất để đầu tư dự án, còn việc cho hay không và giao đất thế nào là quyết định của Nhà nước, của các vị lãnh đạo.

Hiện trạng dự án sau khi san ủi xong trên núi Chín Khúc. Ảnh: Lao Động

- Vậy hàng loạt sai phạm đến mức phải khởi tố vụ án để điều tra là do đâu?

Theo tôi, sai phạm lớn nhất là công tác quản lý nhà nước về đất đai của các cựu lãnh đạo tỉnh. Thời điểm 2015, khu vực đó chỉ quy hoạch đất trồng rừng sản xuất, nhưng trong số diện tích 513ha tỉnh đã giao, có 5,2ha (tương đương 1%) cho chúng tôi sử dụng mục đích khác mà chưa thực hiện các quy trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng. Trong đó, 4,4ha là giao đất thương mại dịch vụ để xây dựng hạ tầng, dịch vụ du lịch sinh thái tâm linh. 7.500m2 là đất ở được giao với mục đích sẽ xây dựng chùa, tượng Phật...

Tuy nhiên, sau khi phát hiện đã giao đất sai phạm như vậy, năm 2019 UBND tỉnh đã khắc phục bằng quyết định thu hồi, điều chỉnh, chuyển đổi lại 5,2ha đất giao sai thành đất trồng rừng sản xuất.

Cũng xin nói thêm, thời điểm 2015 giao đất thì sai, nhưng đến tháng 9.2018 thì Chính phủ có Nghị quyết 48- quy định về sử dụng đất đai thì lại phù hợp. Nghĩa là diện tích đất được chuyển đổi mục đích sử dụng trong tổng số trên 513ha đó sẽ được nhiều hơn 1% (trên 5,2ha). Điều đó có nghĩa là nếu tỉnh không "sửa sai", điều chỉnh thì cũng phù hợp với quy định mới của Chính phủ. Năm 2019, Công ty chúng tôi cũng trả 315ha đất thuộc diện bảo vệ khoanh nuôi, trồng rừng.

Hiện còn nhiều hộ dân xây dựng trái phép để ở và sản xuất khu vực núi Chín Khúc. Ảnh: Thanh Hải

- Nhưng về phía doanh nghiệp, Công ty của ông đã triển khai dự án, san ủi loang lổ, tan hoang trên núi Chín Khúc khi chưa có giấy phép xây dựng?

Tuy chưa được cấp phép xây dựng, nhưng do điều kiện hiện trạng địa hình chủ yếu là núi, dốc dựng đứng, chưa thể làm các thủ tục hành chính trước khi xây dựng, nhưng chúng tôi đã được UBND tỉnh đồng ý bằng văn bản cho triển khai.

Đối với diện tích đất giao để trồng rừng, theo quy định của Nhà nước thì không cần quy hoạch, nhưng phần đất thương mại dịch vụ (5,2ha) thì theo trình tự, sau khi giao đất, chúng tôi phải hoàn thành quy hoạch chi tiết 1/500, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, phòng cháy chữa cháy... rồi mới xin giấy phép xây dựng. Tuy vậy, do hiện trạng là đồi núi, sườn dốc dựng đứng nên đơn vị tư vấn không thể lập quy hoạch 1/500. Nếu có lập thì cũng sẽ liên tục điều chỉnh khi có mặt bằng mới. Vì vậy, chúng tôi đã xin phép tỉnh được san mặt bằng trước, có mặt bằng sẽ lập quy hoạch và hoàn thiện các thủ tục hành chính để xin phép xây dựng sau.

Cơ quan chức năng của Quân đội đã có văn bản chấp thuận chiều cao các công trình xây dựng trên đỉnh núi Chín Khúc. Ảnh: Lao Động

- Dự án của ông có vi phạm về khu vực phòng thủ, ảnh hưởng an ninh quốc phòng?

Điều này thì nhiều người đã nói, nhưng chúng tôi không sai. Doanh nghiệp không dại gì làm trái pháp luật khi bỏ cả trăm tỉ đồng vào đầu tư dự án. Chúng tôi đã xin phép và được sự đồng ý của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, ý kiến đồng ý của Quân khu 5, và cuối cùng là được Cục tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu - Bộ Quốc phòng có văn bản chấp thuận. Trong văn bản còn nêu rõ "về mặt quản lý vùng trời, quản lý bay, đồng ý chấp thuận độ cao tĩnh không tối đa xây dựng dự án. Trong đó công trình tâm linh (tượng phật Quan thế âm bồ tát) có chiều cao 143 mét trên cốt đất tự nhiên 593 mét (điểm cao 593), các hạng mục công trình khác tại các khu vực lân cận thuộc Dự án có chiều cao tối đa 45 mét..."

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn