Trong vụ án Vạn Thịnh Phát, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã đề nghị truy tố Cao Việt Dũng - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Thương mại và xây dựng Tường Việt (Công ty Tường Việt) về tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.
Theo C03, khoảng tháng 3-4.2021, Dương Tấn Trước - Tổng Giám đốc Công ty Tường Việt có báo cáo Cao Việt Dũng - Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty về việc chuyển sang làm hạn mức để vay vốn tại SCB, phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Sở dĩ có việc trên, bởi Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát trước đó có gợi ý với Dương Tấn Trước về việc lập hồ sơ khống vay vốn của SCB.
Thời điểm này, Công ty Tường Việt không có phương án kinh doanh, chưa có nhu cầu vay tiền, không có tài sản đảm bảo cho khoản vay. Song khi nghe Dương Tấn Trước báo cáo, Cao Việt Dũng đã đồng ý.
Với tư cách Chủ tịch Hội đồng thành viên công ty, người đại diện pháp luật, Cao Việt Dũng đã ký Biên bản họp hội đồng thành viên, đồng ý vay vốn tại SCB để phục vụ sản xuất, kinh doanh, trong khi thực sự chưa có nhu cầu, không có phương án kinh doanh.
Cao Việt Dũng còn ký thoả thuận cấp hạn mức tín dụng đề ngày 10.6.2021 với hạn mức 1.000 tỉ đồng (sau đó bị can ký lại hạn mức nâng lên thành 1.500 tỉ đồng nhưng vẫn để ngày ký trước đó).
Dương Tấn Trước đã chỉ đạo nhân viên lập hồ sơ vay với phương án kinh doanh là các hợp đồng mua bán khống giữa các công ty thuộc nhóm Tường Việt. Đồng thời, Dương Tấn Trước được Cao Việt Dũng đồng ý việc cho các nhân viên ký thay chữ ký của Chủ tịch Hội đồng thành viên trong hồ sơ vay vốn.
Mặc dù Cao Việt Dũng không ký thoả thuận từng lần nhận nợ, không ký giấy nhận nợ, không ký ủy nhiệm chi… nhưng qua việc SCB vẫn giải ngân khoản vay, bị can hiểu rằng, Dương Tấn Trước và nhân viên trong công ty phải ký thay chữ ký của mình.
Việc ký thay này diễn ra vì Cao Việt Dũng thường xuyên bận việc, không trực tiếp ký hồ sơ được nên không phản đối.
Theo C03, tổng số tiền giải ngân khoản vay của Công ty Tường Việt là 1.498 tỉ đồng, Dương Tấn Trước đưa về để doanh nghiệp này sử dụng 138 tỉ đồng, số còn lại bị can cùng với Trương Mỹ Lan sử dụng.
Ngoài ra, Cao Việt Dũng còn nhận của Trương Mỹ Lan 36,5 triệu cổ phần SCB (tương đương 365 tỉ đồng theo mệnh giá), ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần nhưng chưa thanh toán tiền.
Cao Việt Dũng xin tự nguyện trả lại toàn bộ cổ phần này cho Trương Mỹ Lan để khắc phục hậu quả vụ án.
C03 cho rằng, trong vụ án liên quan đến Trương Mỹ Lan, Cao Việt Dũng cùng với Dương Tấn Trước lập hồ sơ mua bán hàng hóa khống để vay tiền SCB, sử dụng vào các mục đích cá nhân và bà chủ Vạn Thịnh Phát.
Trong các hồ sơ, C03 xác định, Trương Hồng Phượng - Phó Giám đốc Tài chính kiêm Thủ quỹ Công ty Tường Việt ký giả chữ ký của Cao Việt Dũng.
Song Trương Hồng Phượng khai chỉ ký khi Cao Việt Dũng vắng mặt tại công ty. Theo đó, có 10 tài liệu có thể không phải do Phượng ký.
Với lời khai đó, C03 đã thực hiện việc giám định chữ ký tên Cao Việt Dũng trên các tài liệu để xác định có phải bị can này ký ra hay không.
Cơ quan giám định xác định các chữ ký không phải do cùng một người ký ra sau khi so sánh.
Một số tài liệu cơ quan chức năng kết luận, không đủ cơ sở để xác định có phải hay không phải do cùng một người ký ra.
Tuy nhiên, theo C03, Cao Việt Dũng đã ký hợp thức hồ sơ vay vốn của Công ty Tường Việt để tạo 12 hồ sơ vay vốn khống, để Trương Mỹ Lan rút tiền sử dụng.
Đến ngày 17.10.2022, công ty không trả được nợ cho SCB, gây thiệt hại cho ngân hàng hơn 1.350 tỉ đồng (cả gốc và lãi).
Trong vụ án, cấp dưới của Cao Việt Dũng, bị can Dương Tấn Trước bị C03 đề nghị truy tố tội “Tham ô tài sản” đồng phạm giúp sức cho bà chủ Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan.