MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Huyền Như và Anh Tuấn tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: PV

Chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án Huyền Như

Phùng Bắc LDO | 13/05/2018 20:16
Theo TAND cấp cao tại TPHCM, ngày 28.5 sẽ mở phiên tòa phúc thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, với 2 bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như và Võ Anh Tuấn, còn có 5 nguyên đơn dân sự.

Tòa triệu tập nhiều cá nhân là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Vụ án này vào ngày 9.2, TAND TPHCM tuyên án thẩm 2 bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như (SN 1978, nguyên phó phòng Quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) - Chi nhánh TPHCM) và Võ Anh Tuấn (SN 1972, nguyên cán bộ VietinBank Chi nhánh TPHCM) cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Huyền Như tù chung thân, Tuấn 7 năm tù, buộc Huyền Như bồi thường cho các Cty hơn 1.000 tỉ đồng.

Huỳnh Thị Huyền Như không kháng cáo, bị cáo Võ Anh Tuấn và 5 Cty đã kháng cáo.

Theo nội dung bản án, tại phiên tòa sơ thẩm ngày 27.1.2014, TAND TPHCM đã tuyên án tù chung thân đối với Huyền Như về 2 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Đến ngày 7.1.2015, bản án phúc thẩm của TAND tối cao tại TPHCM tuyên phạt tù chung thân Huỳnh Thị Huyền Như.

Bản án phúc thẩm nhận định hành vi chiếm đoạt số tiền hơn 1.000 tỉ đồng của Cty Cổ phần Chứng khoán Saigonbank-Berjaya, Cty Cổ phần Đầu tư Hưng Yên, Cty Cổ phần Chứng khoán Phương Đông, Cty Cổ phần Bảo hiểm Toàn Cầu và Cty Cổ phần Đầu tư Thương mại An Lộc là có dấu hiệu của tội “Tham ô tài sản nên” đã hủy phần này để điều tra xét xử lại.

Quá trình điều tra lại, Cơ quan điều tra tiếp tục truy tố Huỳnh Thị Huyền Như về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Viện kiểm sát sau khi thụ lý hồ sơ đã đồng ý với kết luận của cơ quan điều tra, hoàn tất cáo trạng.

Bản án sơ thẩm tuyên ngày 9.2.2018 của TAND TPHCM cho rằng, số tiền hơn 1.000 tỉ đồng của 5 Cty, qua hồ sơ, chứng cứ và diễn biến phiên tòa có đủ cơ sở khẳng định Huỳnh Thị Huyền Như đã chiếm đoạt. Cụ thể, Huyền Như đã lợi dụng các cá nhân, đơn vị muốn nhận lãi suất cao (một số cá nhân là người môi giới, đại diện các đơn vị gửi tiền có ý thức tư lợi cá nhân), để thỏa thuận trái pháp luật, dẫn dụ gửi tiền vào VietinBank. Sau đó, Huyền Như lập các chứng từ, ký giả chữ ký của chủ tài khoản, sử dụng quyền trên hệ thống được trực tiếp thao tác chuyển tiền từ các tài khoản của khách hàng đi trả nợ cá nhân cho Huyền Như.

Bằng thủ đoạn này, từ tháng 5.2011 đến tháng 9.2011, Huyền Như đã chiếm đoạt được hơn 1.000 tỉ đồng từ tài khoản của 5 Cty tại VietinBank Chi nhánh TPHCM.

Bản án khẳng định Huyền Như phạm tội với vai trò chủ mưu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn