MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Huyền Như tại một phiên tòa. Ảnh: P.B

Chuẩn bị xét xử vụ án Huyền Như lừa đảo 1.000 tỷ đồng

Phùng Bắc - Phan Hồng LDO | 17/12/2017 15:14
Huyền Như và 11 đồng phạm bị truy tố về hành vi chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng. Đây là vụ án gọi là giai đoạn 2 của vụ án Huyền Như lừa đảo 4.000 tỷ đồng được tách ra xử lý riêng.

Dự kiến, vào ngày 2.1.2018, TAND TPHCM sẽ đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án Huỳnh Thị Huyền Như cùng đồng phạm lừa đảo hơn 1.000 tỷ đồng. Phiên tòa dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 5.1.2018. Phiên toà sẽ do Phó chánh Tòa hình sự Huỳnh Anh Kiệt làm chủ tọa.

Phiên tòa lần này thuộc quá trình giải quyết vụ đại án Huỳnh Thị Huyền Như giai đoạn 2. Hai bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như và Võ Anh Tuấn cùng bị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Còn 10 đồng phạm khác nguyên là cán bộ Ngân hàng thương mại cổ phần Nam Việt (Navibank) bị truy tố về tội “Cố ý làm trái các quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Hiện chưa có thông tin về luật sư bào chữa cho bị cáo Như. Trước đó, TAND TP.HCM xét xử Huyền Như chiếm đoạt 4.000 tỷ đồng của nhiều khách hàng và tuyên Như tù chung thân về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Sau đó, tại phiên xử phúc thẩm, TAND Tối cao tại TPHCM hủy một phần bản án sơ thẩm để điều tra lại đối với Như và đồng phạm về hành vi chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng.

Đầu năm 2017, Tòa án tiếp tục yêu cầu điều tra bổ sung vì cho rằng hành vi của Như và đồng phạm có dấu hiệu "Tham ô tài sản". Tuy nhiên, đến nay, VKSND Tối cao tiếp tục giữ quan điểm truy tố Như và Tuấn về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Hiện Huyền Như đang chấp hành án tù chung thân về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

Theo cáo trạng, để có tiền trả nợ vay do kinh doanh thua lỗ, Huyền Như đã lấy danh nghĩa huy động tiền cho ngân hàng để gặp gỡ một số cá nhân, đơn vị về việc nhận tiền gửi của họ với lãi suất cao.

Như đã trả lãi suất ngoài hợp đồng cho nhiều cá nhân, tổ chức để họ gửi tiền vào ngân hàng mà Như làm trưởng phòng giao dịch. Sau đó, Như lập các chứng từ giả, chữ ký giả của chủ tài khoản để chuyển tiền đi trả các khoản nợ cá nhân của mình.

Theo đó, 10 bị can là cán bộ ngân hàng Navibank đã ký biên bản đồng ý cấp tín dụng cho nhân viên Navibank đi gửi tiền cho Như và Tuấn để hưởng lãi suất cao và sau đó bị Huyền Như chiếm đoạt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn