MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu. Ảnh: NVCC

Chuyên gia cảnh báo tội phạm trong thời gian phòng chống dịch COVID-19

Việt Dũng LDO | 07/04/2020 14:55
Trung tá Đào Trung Hiếu (Chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an) cho rằng, thất nghiệp, nhiều đối tượng sẽ "đói ăn vụng, túng làm liều" nên cảnh báo người dân về biện pháp đối phó với tội phạm trong mùa dịch COVID-19.

"Đói ăn vụng, túng làm liều"

Trung tá Đào Trung Hiếu cho rằng, đại dịch COVID-19 đang tiếp tục diễn ra hết sức phức tạp ở cấp độ toàn cầu, sẽ dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng về an sinh xã hội, trong đó vấn đề an ninh trật tự sẽ đối diện với nhiều thách thức mới. Việt Nam không phải là một ngoại lệ.

Từ khi dịch xâm nhập và bùng phát tại nhiều địa phương, cùng với những xáo trộn trong đời sống xã hội, hiện tượng tội phạm mùa dịch với những nét đặc thù đang “nóng” lên tại nhiều địa phương. 

Là một chuyên gia nghiên cứu tội phạm, ông Hiếu cho rằng, đặc điểm “đói ăn vụng, túng làm liều” thể hiện rất rõ nét qua các vụ án. Thủ phạm có thể không phải là những kẻ tội phạm chuyên nghiệp. Vì mất việc làm, thất nghiệp, túng quẫn… thúc đẩy họ bất chấp pháp luật, phạm tội để có tiền trang trải nợ nần, chi tiêu. Do đó, xu thế gia tăng của tình hình tội phạm là điều có thể tiên liệu.

Nhóm tội phạm chiếm đoạt tài sản như cướp, cướp giật, cưỡng đoạt, trộm cắp, lừa đảo… sẽ xảy ra với tần suất cao, tính chất mức độ ngày càng manh động, nguy hiểm. Các vụ giết cướp xe ôm, taxi, tội phạm cướp giật đường phố có thể gia tăng sau khi hết thời gian cách ly xã hội. 

Khuyến cáo cách để người dân đối phó với tội phạm 

Do đó, theo trung tá Hiếu, trước mắt, người dân cần đặc biệt cảnh giác, chấp hành nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID -19 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, mọi người hạn chế tối đa việc ra đường nhất là thời điểm buổi tối, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết và nếu phải ra ngoài thì tránh thời điểm đêm tối, không nên đi một mình. 

Với những người chạy xe ôm, taxi, cần hết sức cảnh giác trong khi chở khách, đặc biệt là không nên đem theo nhiều tiền hoặc tài sản có giá trị trong người.

Tại các công sở cần tăng cường công tác bảo vệ, gia cố hệ thống khoá, cửa, tường rào, lắp đặt hệ thống đèn bảo vệ, camera an ninh quanh trụ sở cơ quan. Những khu trọ, nhà dân không có người ở do sơ tán trong dịch bệnh, chủ nhà không nên để lại tài sản có giá trị.

Tài sản cá nhân có giá trị như xe máy cần được bảo quản, khoá nhiều lớp và trông coi cẩn thận. Không nên để tài sản hoặc đồ vật trong xe ôtô qua đêm ngoài đường, đề phòng kẻ gian phá kính xe để trộm cắp tài sản.

Trung tá Đào Trung Hiếu cũng lưu ý, để phòng ngừa bị lừa đảo trên không gian mạng, người sử dụng Internet cần chú ý đọc các thông báo phòng ngừa của cơ quan chức năng về các thủ đoạn lừa đảo đang diễn ra. Tuyệt đối không nên truy cập, không cung cấp thông tin ngân hàng điện tử (tên đăng nhập, mật khẩu, OTP) hoặc click vào đường link lạ được đính kèm trong email. 

Bên cạnh nhiệm vụ phòng dịch, Công an các cấp cần triển khai kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh trấn áp tội phạm.

Lực lượng tại cơ sở cần tích cực triển khai các biện pháp nghiệp vụ nắm tình hình, rà soát các đối tượng hình sự, gọi răn đe, tăng cường biện pháp tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh trật tự...

Đồng tình với quan điểm trên, Thạc sĩ, luật sư Nguyễn Minh Long (Giám đốc Công ty Luật Dragon), cho hay, trong thời điểm này, mọi người đang chung tay vào chống dịch như vậy, tội phạm sẽ lợi dụng sơ hở của người dân để gây án.

Người dân có các cửa hàng, cửa hiệu cần cẩn trọng hơn trong việc bảo quản tài sản. Cần lắp hệ thống camera, chống trộm, báo trộm, các thiết bị an ninh, để có các chứng cứ khi phát hiện tài sản bị xâm phạm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn