MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chuyên gia cho rằng cần có sự phòng ngừa, tập dượt để đối phó với tội phạm cướp ngân hàng. Ảnh chụp từ camera an ninh vụ cướp ngân hàng ở TP.HCM.

Chuyên gia tội phạm học "mách nước" ứng phó với tội phạm cướp ngân hàng

Việt Dũng LDO | 12/10/2020 13:14

Trung tá Đào Trung Hiếu (Thạc sĩ, Chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an) cho rằng, ngân hàng, chi nhánh, phòng giao dịch là nơi chứa nhiều tiền nên là điểm để tội phạm hướng đến gây án.

Như tin đưa, khoảng 12h30 ngày 10.10, tại Phòng giao dịch Trương Vĩnh Ký trực thuộc Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) - Chi nhánh Tân Bình (địa chỉ: 98A Trương Vĩnh Ký, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú) xảy ra vụ cướp tài sản.

Nghi phạm được xác định là Phùng Thị Thắng (24 tuổi, ở Bắc Giang) đã bị bắt giữ sau đó.

Trước tình hình tội phạm cướp ngân hàng có những diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước, Trung tá Đào Trung Hiếu đã "mách nước" cách ứng phó, cũng như biện pháp để phòng, chống.

Theo trung tá Hiếu, để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm cướp ngân hàng, trước tiên, lãnh đạo và nhân viên ngân hàng phải thường xuyên cập nhật tình hình, nắm được những phương thức, thủ đoạn của tội phạm cướp ngân hàng; phải xác định tội phạm có thể xảy ra ở bất cứ đâu, từ đó đề cao cảnh giác, chuẩn bị sẵn sàng phương án đối phó.

Phối hợp với ngành chức năng xây dựng phương án và diễn tập bảo vệ chống đột nhập, cướp tiền, tài sản; tổ chức tập dượt thường xuyên các phương án, sao cho tất cả nhân viên ngân hàng và bảo vệ đều làm chủ được các kỹ năng ứng phó trong các tình huống phức tạp.

Tiếp theo, phải chủ động rà soát lại lực lượng bảo vệ chuyên trách, đảm bảo đủ về số lượng, có sức khỏe, nhanh nhạy và phải thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ, chú trọng kỹ năng phát hiện dấu hiệu bất thường, kỹ năng xử lý tình huống cướp xảy ra.

Trang bị vũ khí được pháp luật cho phép sử dụng, để đội ngũ nhân viên bảo vệ có khả năng phòng vệ, ngăn chặn các vụ cướp. Duy trì việc thường xuyên bảo dưỡng hệ thống thiết bị an ninh như cảm biến nhiệt, cảm biến hồng ngoại, camera, báo động, báo cháy..., kịp thời bổ sung, sửa chữa, đảm bảo thiết bị hoạt động hiệu quả 24/24h.

Thiết lập đường dây nóng và có cơ chế phối hợp chặt chẽ với Công an cơ sở. Tuân thủ nghiêm các quy định về công tác bảo vệ, không mở cửa trong giờ kiểm kê cuối ngày.

Lực lượng Công an thường xuyên cập nhật, thông báo, tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của tội phạm cướp ngân hàng đang diễn ra phổ biến, cũng như các phương thức thủ đoạn phạm tội mới cho nhân viên ngân hàng và nhân dân. Phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông để giúp người dân nâng cao cảnh giác phòng ngừa tội phạm.

Trung tá Hiếu nhấn mạnh, mục đích của bọn cướp là tiền, chứ không phải đoạt mạng người. Nhưng nếu nạn nhân không biết cách xử sự khôn ngoan, có hành động nào đó như tri hô, la hét, nhất là lao vào ôm giữ đối tượng… sẽ kích hoạt nỗi sợ bên trong của chúng, biến thành những hành động liều lĩnh, nhằm triệt tiêu khả năng bị bắt. Điều này rất nguy hiểm, vì hậu quả lớn hơn có thể xảy ra.

Cần nhớ trong mọi vụ án cướp tài sản, phải đặt sự an toàn về tính mạng, sức khoẻ lên hàng đầu, có thể ngoan ngoãn giao tài sản cho chúng, tuyệt đối không nên manh động, liều lĩnh ôm bắt, vật lộn với tên cướp trong tay có vũ khí nguy hiểm.

Trong lúc tiếp xúc với đối tượng, cần giữ bình tĩnh, kín đáo quan sát, ghi nhớ các đặc điểm về trang phục, hình dáng, cử chỉ, giọng nói, độ tuổi… để cung cấp cho cơ quan điều tra về sau.

Tận dụng tối đa thời cơ đối tượng sơ hở, bí mật báo tin cho cơ quan Công an gần nhất. Nếu có thời cơ và hơn hẳn về lực lượng, hoặc phát hiện vũ khí giả, bảo vệ và nhân viên ngân hàng có thể bất ngờ tấn công đối tượng để vô hiệu hoá hoặc bắt giữ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn