MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sandy Bích Ngọc trong chương trình chia sẻ câu chuyện bố xâm hại con gái

Clip chia sẻ việc “bố xâm hại con gái”: Sai sự thật có thể xử lý hình sự

Dung Hà LDO | 05/01/2018 16:40
Liên quan đến clip “bố xâm hại con gái” được chia sẻ trong thời gian gần đây với nhiều tình tiết bất thường, một luật sư cho biết có thể xử lý hình sự nếu clip này chứa thông tin sai sự thật.

Những ngày vừa qua, dư luận dậy sóng trước video phỏng vấn Sandy Bích Ngọc, tác giả cũng là nhân vật trong cuốn tự truyện “Cát hay là ngọc” từng gây xôn xao năm 2016.

Trong clip được đăng tải công khai trên trang fanpage của một tạp chí, Sandy Bích Ngọc có những tiết lộ động trời về câu chuyện của một cô gái miền Tây bị chính cha ruột của mình xâm hại tình dục, cùng với những chia sẻ tạo cảm giác “rùng rợn” cho người xem.

Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội, dưới góc độ pháp lý, nếu câu chuyện này là có thật thì đó không những là hành vi trái pháp luật nghiêm trọng mà còn vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Trường hợp người bố có hành vi giao cấu trái ý muốn với người con gái 17 tuổi thì tùy theo tính chất mức độ, diễn biến hành vi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội hiếp dâm hoặc Tội cưỡng dâm. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 141 và Điều 143 Bộ luật Hình sự 2015.

Đây là loại tội phạm xâm hại quyền bất khả xâm phạm về tình dục của người phụ nữ, nhân phẩm, danh dự, sức khỏe người phụ nữ nên chỉ được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại theo Điều 155 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015.

Để có căn cứ xử lý người cha, người con gái cần phải tố cáo hành vi đồi bại đến các cơ quan pháp luật để xử lý theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, sau khi đoạn clip trên được chia sẻ, cộng đồng mạng cho rằng đoạn clip ngắn trên chưa có yếu tố xác thực, có nhiều tình tiết khó hiểu. 

Theo LS Thơm, nếu câu chuyện không có thật mà được dàn dựng, gây hoang mang dư luận, ekip thực hiện sẽ bị xử phạt nghiêm.

Theo đó, ekip có thể sẽ bị xử phạt hành chính theo Điểm a, Khoản 2, Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện (mức phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng).

“Nếu vụ việc gây hậu quả nghiêm trọng, cơ quan chức năng xử lý tội hình sự thì toàn bộ những người tham gia trong đoạn clip nếu biết không đúng sự thật nhưng vẫn đưa lên mạng internet đều bị xử lý đồng phạm theo Điều 228 BLHS 2015. Mức án dành cho hình phạt này là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”, LS Thơm cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn