MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bác sĩ Lương lúc bị bắt.

Có cần thiết phải tạm giam bác sĩ Lương?

Bảo Thắng LDO | 03/07/2017 16:39
Trong vụ 8 bệnh nhân chạy thận tử vong, bác sĩ Hoàng Công Lương - Khoa Hồi sức tích cực - Đơn nguyên Thận nhân tạo - BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình chỉ là lỗi vô ý, không phải căn nguyên trực tiếp gây hậu quả. Tuy nhiên cơ quan điều tra đã tiến hành khởi tố, bắt tạm giam bác sĩ này. Dư luận cho rằng, cơ quan tố tụng không cần thiết phải bắt tạm giam đối với bác sĩ này.

Bản chất của biện pháp ngăn chặn “tạm giam” được áp dụng khi phạm trọng tội, tội ít nghiêm trọng nhưng có dấu hiệu bỏ trốn, nhân thân xấu, hoặc để ngăn chặn họ có thể tiếp tục phạm tội. Nhưng ở đây, bác sĩ Hoàng Công Lương bị bắt tạm giam lại “không thật sự thoả mãn” những tiêu chí nói trên. Đó là nhận định của luật sư Nguyễn Phương Nam - Trưởng văn phòng luật sư số 10, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội.

Theo luật sư Nguyễn Phương Nam, căn cứ các quy định của pháp luật tố tụng hình sự, trường hợp tạm giam được áp dụng khi người phạm tội có hành vi như phạm tội nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, hoặc tội ít nghiêm trọng nhưng có nhân thân xấu, dấu hiệu bỏ trốn hay có thể phạm tội mới.

“Quy chiếu các chế định pháp luật vào tình huống của bác sĩ Hoàng Công Lương - Khoa Hồi sức tích cực - Đơn nguyên Thận nhân tạo - BV đa khoa tỉnh Hòa Bình cho thấy, đây là bị can có nhân thân tốt, khi xảy ra sự cố tại bệnh viện đã nhiệt tình cứu chữa cho các bệnh nhân. Hơn nữa, giả thiết nếu sau này xác định bác sĩ Lương có tội, thì đó cũng ở hành vi vô ý mà thôi” – luật sư Nam cho hay.

Cũng theo phân tích của luật sư Nguyễn Phương Nam, căn cứ vào những tài liệu, nguồn tin, thể hiện bác sĩ Lương đã tuân thủ y lệnh, việc có những sai sót như cơ quan điều tra cho hay, đó đơn thuần là những sai phạm về hành chính, về thủ tục. Và với quan điểm của nhiều chuyên gia y tế đầu ngành, việc có tuân thủ hay không thủ tục bàn giao sẽ không liên quan đến hậu quả vụ việc.

Đồng tình quan điểm này, luật sư Hằng Nga - Trưởng văn phòng luật sư Hằng Nga, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội - phân tích, có thể đồng ý tình huống bác sĩ Lương giữ vai trò đồng phạm khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng trong vụ án. Tuy vậy, ở đây, với bác sĩ Lương chỉ là lỗi vô ý, không phải căn nguyên trực tiếp gây hậu quả, do đó, khi xem xét, cơ quan tố tụng hoàn toàn có thể thay đổi biện pháp ngăn chặn, sao cho phù hợp với từng hành vi, nhân thân cụ thể.

Ngoài việc nhận định, khi thay đổi biện pháp ngăn chặn với bác sĩ Lương sẽ không làm ảnh hưởng đến quá trình giải quyết vụ án, luật sư Hằng Nga còn cho rằng, việc điều chỉnh các biện pháp ngăn chặn đối với bác sĩ này còn được dư luận hết sức ủng hộ. Thực tế cho thấy, ngay khi biết bác sĩ Lương bị bắt, tạm giam, một số bệnh nhân sống sót sau sự cố, cùng thân nhân, và nhiều chuyên gia, các tổ chức y tế... đã có văn bản kiến nghị, đề xuất xem xét lại trách nhiệm của bác sĩ Lương cũng như xem xét thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với bác sĩ này.

“Như vậy, trong một tình huống pháp lý, ngoài việc áp dụng đúng đắn các chế định được thể hiện trong hệ thống luật pháp, các cơ quan tố tụng cũng nên xem xét đến những tác động dư luận, đó chính là yếu tố thấu tình, đạt lý” – luật sư Hằng Nga nói thêm.

Điều 125: Huỷ bỏ hoặc thay thế biện pháp ngăn chặn

2. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn khi thấy không còn cần thiết, hoặc có thể thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn