MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều gốc cây bị chặt hạ ngay sát bìa rừng vẫn còn tươi nguyên, nhưng vẫn không bị xếp vô số cây bị phá rừng. Ảnh: C.H

Có “đánh khẽ” vụ phá rừng ở Bình Phước ?

ĐÔNG ANH LDO | 14/03/2019 15:25

Ngày 1.10.2018, báo Lao Động từng đăng bài: “Phát hiện vụ phá rừng lấy gỗ trái phép ở Bình Phước”. Sau hơn 4 tháng điều tra, xác minh; mới đây, nguồn tin báo Lao Động cho hay, cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước đã xử phạt hành chính thủ phạm phá rừng... 40 triệu đồng.

Theo Công an huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước, hình ảnh mà báo chí phản ánh vụ phá rừng tại khoảnh 7, tiểu khu 363 – Nông lâm trường Tân Lập, thuộc Công ty TNHH MTV cao su Bình Phước “là có thật, nhưng không xuất phát từ việc phá rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng trái phép, chỉ phát sinh số phần 24 cây rừng bị khai thác trái phép...”.

Hình ảnh cây cày (kơ nia) bị chặt hạ nằm trên lô đất lâm nghiệp, không phải là hiện trạng rừng tự nhiên, cách bìa rừng (khu vực bị khai thác trái phép 24 cây gỗ) khoảng 60m. Công an huyện Đồng Phú khẳng định gốc cây cày bị chặt hạ là thuộc khoảnh đất của Dự án cải tạo, chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng cao su, đã được Công ty TNHH MTV TM-DV Hồng Phúc khai thác, tận thu lâm sản và khai hoang hợp pháp từ tháng 4.2016.

Cách chỗ 24 cây rừng bị chặt hạ là khu đất trống mới khai hoang, có dấu tích một cây cày cổ thụ, đường kính 2,5m đã bị chặt hạ. Gốc cây còn tươi mới, đang rỉ nhựa... Ảnh: C.H

Từ đó, Công an  huyện Đồng Phú cho rằng, chỉ có việc khai thác 24 cây rừng (7,78m3) là trái phép. Tuy nhiên, “chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm được quy định tại điều 232 – Bộ Luật Hình sự năm 2015”. Hành vi khai thác 24 cây rừng trên chỉ xử phạt hành chính theo Nghị định số 157/NĐ-CP ngày 11.11.2013 của Chính phủ.

Từ kết luận xác minh của công an, Hạt kiểm lâm Đồng Phú đã đề xuất xử phạt hành chính thủ phạm chặt phá 24 cây rừng là Nguyễn Đặng An (sinh 1982) số tiền 40 triệu đồng. Ngoài ra, có 3 nhân viên Nông lâm trường Tân Lập và 1 nhân viên Hạt kiểm lâm Đồng Phú bị kỷ luật “khiển trách, rút kinh nghiệm”...

Trong khi đó, dư luận cho rằng, với việc xử lý trên, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Phước chỉ “giơ cao, đánh khẽ” các cá nhân sai phạm trong vụ việc này. Ông Trần Đức Lý (sinh 1974, trú ấp Thạch Màng, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú) là người đứng ra tố cáo hiện tượng phá rừng, tố cáo các sai phạm về quản lý, sử dụng đất rừng tại tiểu khu 363 cho biết:

“Tôi đã cung cấp rất nhiều bằng chứng tố cáo với cơ quan chức năng rằng, hành vi phá rừng không chỉ chặt hạ 24 cây rừng mới đây. Hơn thế, hành vi phá rừng diễn ra suốt thời gian dài, bất chấp lệnh đóng cửa rừng của Thủ tướng Chính phủ từ tháng 7.2016. Sau lệnh đóng cửa rừng, diện tích rừng tại khoảnh 7, tiểu khu 363 vẫn còn nhiều.

Không đề cập gốc cây còn tươi, Công an huyện Đồng Phú cho rằng cây cày được khai thác hợp pháp trước đó 18 tháng, từ tháng 4.2016, trước khi Thủ tướng Chính phủ lệnh đóng cửa rừng, nên kẻ chặt cây cây không vi phạm luật pháp. Ảnh: C.H

Nhưng lợi dụng Dự án chuyển đổi rừng nghèo kiệt, đơn vị tận thu, khai thác lâm sản tại dự án này vẫn ngang nhiên phá rừng, khiến diện tích rừng bị thu hẹp và đất rừng sau khai thác đã được sang nhượng giấy tay cho nhiều cá nhân trồng điều – trái với mục đích của dự án là trồng cao su”.

Thật vậy, ngay sau khi vụ chặt hạ 24 cây rừng bị phanh phui vào tháng 10.2018, thì gốc cây cày cổ thụ bị chặt hạ lấy gỗ vẫn còn tươi nguyên, rỉ nhựa nơi gốc cây...

Thế nhưng, Công an  huyện Đồng Phú lại kết luận cây cày trên, trước đó 18 tháng, đã được Công ty Hồng Phúc khai thác hợp pháp từ tháng 4.2016, trong dự án chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng cao su... (?).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn