MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ chó lao vào đánh người cha sau khi người này đẩy con chó không rọ mõm ra xa để bảo vệ con mình. Ảnh cắt clip vụ việc ở quận 7, TPHCM.

Có được phép nuôi chó mèo trong chung cư?

Nam Dương LDO | 08/02/2023 08:38

Nhiều câu hỏi đặt ra, việc nuôi chó tại chung cư được quy định ra sao và hành vi hành hung người khác của chủ chó sẽ bị xử lý thế nào?

UBND TPHCM vừa có công văn khẩn gửi UBND quận 7, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức, yêu cầu xử lý vụ việc người cha bảo vệ con trai nhỏ trước chó không rọ mõm và bị chủ của chó hành hung phải nhập viện xảy ra tại một chung cư ở quận 7.

Nhiều câu hỏi đặt ra, việc nuôi chó tại chung cư được quy định ra sao và hành vi hành hung người khác của chủ chó sẽ bị xử lý thế nào?

Luật sư Trần Phi Đại, Đoàn Luật sư TPHCM, cho biết, theo quy định tại Điều 35 Nghị định 99/2015/NĐ-CP “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở” thì việc chăn, thả gia súc, gia cầm trong khu vực nhà chung cư là hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư.

Tuy nhiên, chó, mèo không được xác định là gia súc theo quy định hiện hành. Do đó, việc nuôi chó, mèo trong chung cư không phải là hành vi bị cấm theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, nếu nội quy của chung cư được thông qua hợp pháp tại Hội nghị Nhà chung cư, mà không cho phép nuôi chó, mèo trong chung cư, thì các cư dân cũng phải tuân thủ theo quy định này để bảo đảm việc sử dụng và môi trường sống của nhà chung cư an toàn, văn minh, sạch đẹp.

Điều 66 của Luật Chăn nuôi 2018 quy định, chủ nuôi chó, mèo cần phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác, giữ gìn vệ sinh môi trường và bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y. Các biện pháp bảo đảm an toàn hiện nay bao gồm đeo rọ mõm cho chó; xích giữ chó khi ra đường…

Khoản 3, Điều 2 Nghị định 04/2020/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó; không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.

Qua video clip được báo chí đăng tải, cho thấy con chó trong vụ việc nêu trên không được rọ mõm, không có người dắt và liên tục sấn gần vào cháu bé, nên bố của cháu đã có sự ngăn cản và sau đó bị chủ của chó hành hung gây chấn thương.

Điểm i, Khoản 1, Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 11% thuộc trường hợp "có tính chất côn đồ" thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Khoản 1, Điều 155 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định về khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại như sau: Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật Hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

Được biết, người bị tấn công trong vụ việc trên đã có đơn đề nghị Công an quận 7 giám định thương tích, khởi tố chủ của chó. Hành vi của chủ của chó có thuộc trường hợp “có tính chất côn đồ” để làm cơ sở khởi tố vụ án và xử lý hình sự hay không thuộc trách nhiệm chứng minh của các cơ quan chức năng.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn