MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Cô giáo có dấu hiệu tâm thần, chém đồng nghiệp bị xử lý ra sao?

Việt Dũng LDO | 17/12/2020 10:48
Luật sư Nguyễn Minh Long (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, nếu trong khi chém đồng nghiệp, cô giáo tiểu học mất khả năng nhận thức, có thể không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Như Lao Động đưa tin, trong giờ lên lớp sáng 15.12, một nữ giáo viên Trường tiểu học Ninh Phước (thôn Mỹ Giang, Ninh Phước, Thị xã Ninh Hoà, Khánh Hoà) đã bất ngờ dùng dao chém đồng nghiệp ngay tại trường khiến cô này bị thương.

Qua tìm hiểu cô N.T.N.H - người chém đồng nghiệp - có tiền sử bệnh tâm thần, mới ra viện cách đây không lâu.

Luật sư Nguyễn Minh Long cho biết, pháp luật hiện hành có quy định tình trạng không có năng lực, trách nhiệm hình sự là người thực hiện hành vi thực sự nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Tại Điều 21 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Luật sư dẫn chứng, để xác định chính xác người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có mắc bệnh tâm thần hay không, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 yêu cầu đây là một trong những trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định (tại khoản 1 Điều 206).

Nếu kết quả giám định cho thấy người này thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh tâm thần thì Cơ quan tiến hành tố tụng căn cứ vào kết quả giám định để đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa bắt buộc chữa bệnh mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi mình đã thực hiện.

Trong trường hợp Hội đồng y khoa cấp có thẩm quyền kết luận giám định họ bị mất năng lực hành vi thì họ sẽ được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, về trách nhiệm dân sự, người tâm thần (thông qua người đại diện hợp pháp) vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về dân sự cho gia đình các nạn nhân.

Tại khoản 2, Điều 49 của Bộ Luật Hình sự (BLHS) 2015 cũng quy định người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng đã lâm vào tình trạng quy định tại khoản 1 thì trước khi bị kết án cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh và sau khi khỏi bệnh, người đó phải chịu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật hiện hành, đối với những người tâm thần phạm tội, họ vẫn có khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp kết luận của hội đồng giám định y khoa kết luận rằng họ chỉ bị hạn chế năng lực hành vi chứ không phải mất năng lực hành vi.

Ông Long nói: Như vậy, nếu tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, người phạm tội mất năng lực hành vi nhận thức, điều khiển hành vi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trường hợp, tại thời điểm phạm tội, người phạm tội chỉ hạn chế năng lực hành vi hoặc bị mất năng lực hành vi sau khi phạm tội thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sư.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn