MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bị cáo Hoàng Văn Hưng trong phiên toà sơ thẩm vụ chuyến bay giải cứu. Ảnh: H.Phương

Cơ hội thoát án tù chung thân của cựu điều tra viên vụ chuyến bay giải cứu

Việt Dũng LDO | 24/12/2023 14:34

Luật sư và nguyên thẩm phán cho rằng, nếu Hoàng Văn Hưng - cựu điều tra viên thừa nhận tội danh liên quan trong vụ chuyến bay giải cứu, cũng như tác động gia đình, người thân nộp 18,8 tỉ đồng khắc phục hậu quả, thì đây được xem là tình tiết mới.

Ngày mai (25.12), TAND Cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên toà phúc thẩm xét kháng cáo của 21 người liên quan vụ chuyến bay giải cứu.

Trong đó, bị cáo Hoàng Văn Hưng - cựu Trưởng phòng 5, Cơ quan An ninh điều tra bị cấp sơ thẩm kết tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và tuyên phạt tù chung thân, đồng thời phải nộp 18,8 tỉ đồng đã chiếm đoạt.

Hoàng Văn Hưng ban đầu kêu oan, không phạm tội như cấp sơ thẩm quy kết. Song trong thời gian chờ phiên toà phúc thẩm xét xử, luật sư của Hoàng Văn Hưng cho hay, bị cáo đã nhận thức lại toàn bộ quá trình xảy ra vụ việc.

Mặt khác, bị cáo Hưng đã tự nguyện tác động gia đình, người thân, bạn bè khắc phục thay Hưng toàn bộ số tiền 18,8 tỉ đồng và đã có đơn gửi cấp phúc thẩm xin thay đổi nội dung kháng cáo từ kêu oan sang xin giảm nhẹ hình phạt.

Hơn nữa, bị cáo cũng có đơn đề nghị cấp phúc thẩm được xét xử vắng mặt.

Theo dõi diễn biến trên, luật sư Nguyễn Minh Long - Giám đốc Công ty Luật Dragon, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, từ phiên sơ thẩm đến khi kháng cáo, Hoàng Văn Hưng đều kêu oan.

Song theo luật sư của bị cáo, trong khi chờ phiên phúc thẩm diễn ra, Hưng đã thừa nhận sai phạm, thì được coi là tình tiết mới, được quy định tại điểm b, s, Điều 51 Bộ Luật Hình sự.

"Đây là tình tiết được giảm nhẹ và được xem xét", luật sư Nguyễn Minh Long nói.

Theo luật sư, bất kể giai đoạn nào (từ điều tra, truy tố, xét xử cấp sơ thẩm hay phúc thẩm) mà bị cáo thừa nhận, nhận thức ra hành vi của mình, ăn năn hối cải được ghi nhận trong Bộ Luật hình sự. Đây là cơ sở để toà phúc thẩm ghi nhận, áp dụng các điều luật có lợi cho bị cáo.

Việc khắc phục hậu quả rất quan trọng trong vụ án hình sự nói riêng. Đây chính là cơ hội cho bị cáo để được Hội đồng xét xử xem xét tình tiết giảm nhẹ lần thứ hai. Trong trường hợp này, bị cáo dựa trên nhận thức sai lầm của mình và đã chủ động nhờ gia đình khắc phục.

Ngược lại, nếu bị cáo không chủ động, cho rằng việc khắc phục không phải là ý chí của mình, mà gia đình có nộp tiền thì không được xem xét.

"Do đó, việc khắc phục phải từ suy nghĩ của Hoàng Văn Hưng, mới được coi là cơ sở xem xét giảm nhẹ hình phạt", luật sư Nguyễn Minh Long phân tích.

Luật sư Nguyễn Minh Long. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ông Long nói thêm, về việc nhờ người thân nộp, theo thủ tục thì có thể nộp trực tiếp tại phiên toà (thư ký phiên toà sẽ ghi nhận lại sự việc này) hoặc theo quy định phải nộp ở thi hành án.

Theo số tiền bị quy kết, bị cáo phải có nghĩa vụ nộp và lấy biên lai ở Chi Cục thi hành án rồi nộp lại cho toà phúc thẩm. Đây chính là cơ sở để toà xác định bị cáo đã khắc phục hậu quả.

Trường hợp bị cáo tác động để gia đình, người thân nộp toàn bộ số tiền 18,8 tỉ đồng, theo luật sư, đó là cơ hội để khi thi hành án, Hoàng Văn Hưng sẽ được xem xét giảm án trước thời hạn tù.

Cũng theo ông Long, việc Hoàng Văn Hưng xin xét xử vắng mặt, thì luật sư bào chữa cho bị cáo thông thường sẽ đánh giá dựa trên tính ăn năn, khắc phục, từ đó đề xuất với Hội đồng xét xử xem xét, giảm nhẹ cho thân chủ.

Nếu Hoàng Văn Hưng vắng mặt, luật sư sẽ không được làm xấu đi tình trạng của bị cáo khi người này đã thừa nhận sai phạm, khắc phục hậu quả.

"Việc bị cáo xin xét vắng mặt, cái này do Hội đồng xét xử quyết định", luật sư Long nói và cho hay, bị cáo phải có lý do chính đáng.

Cùng quan điểm, nguyên thẩm phán TAND TP Hà Nội - ông Trương Việt Toàn cho hay, sau khi xét xử sơ thẩm Hoàng Văn Hưng kháng cáo kêu oan, trong khi chờ phiên toà phúc thẩm diễn ra, bị cáo lại thay đổi ý chí của mình là nhận tội, đề nghị người thân khắc phục toàn bộ số tiền 18,8 tỉ đồng, đó là tình tiết mới.

Khi có tình tiết mới, bị cáo khai báo thành khẩn và đã khắc phục hậu quả, đó là cơ sở để cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ cho Hưng. Điều này hoàn toàn phù hợp theo quy định pháp luật.

Theo ông Trương Việt Toàn, việc xin xét xử vắng mặt tại phiên phúc thẩm, đó là quyền của bị cáo, hoàn toàn phù hợp với pháp luật.

Hội đồng xét xử sẽ vẫn căn cứ vào đơn xin xét xử vắng mặt cũng như lời nhận tội của bị cáo để cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt cho Hưng.

"Hưng nhận tội và khắc phục hậu quả là hai tình tiết mới quy định trong Bộ Luật hình sự: Thành khẩn khai báo, khắc phục hậu quả", ông Trương Việt Toàn nói và cho hay, bị cáo cần khắc phục quá 2/3 số tiền trong tổng số 18,8 tỉ đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn