MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cựu Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai Trần Đình Thành nhận hối lộ 14,5 tỉ đồng từ Chủ tịch HĐQT Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn (phải).

Cơ sở cáo buộc 3 cựu lãnh đạo Đồng Nai tội nhận hối lộ khi sếp AIC vẫn trốn

Việt Dũng LDO | 14/11/2022 08:08
3 cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai bị cáo buộc nhận hối lộ tổng cộng 43,8 tỉ đồng song người đưa hối lộ chính là Chủ tịch HĐQT AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn vẫn đang bỏ trốn.

Cơ sở cáo buộc tội danh nhận hối lộ

Trong số 36 bị can vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố, có cựu Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai Trần Đình Thành; cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái và Phan Huy Anh Vũ - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai.

Ba cựu quan chức này bị đề nghị truy tố tội danh "Nhận hối lộ" với tổng số tiền 43,8 tỉ đồng từ Chủ tịch HĐQT Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn và cấp dưới của bà này.

Theo kết luận điều tra, Công ty AIC trúng 16 gói thầu tại Dự án Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai trị giá hơn 665 tỉ đồng. Qua đó, công ty thu lợi bất chính và gây thiệt hại cho nhà nước hơn 152 tỉ đồng.

Để chi tiền đối ngoại bôi trơn dự án, bị can Nhàn lập Ban Thư ký tài chính và trực tiếp chỉ đạo mọi hoạt động. Mọi thu chi của ban không hạch toán vào phần mềm kế toán của AIC. Nguồn tiền ban có được do công ty sân sau chuyển về sau khi nâng khống giá trị các hợp đồng mua hàng.

Ban Thư ký tài chính là điểm xuất phát của dòng tiền mà lãnh đạo AIC mang đi hối lộ quan chức.

Cụ thể, bị can Nhàn và cấp dưới đã 26 lần đưa hối lộ cho 3 cựu lãnh đạo trên, trong đó ông Thành và Thái mỗi người nhận 14,5 tỉ đồng, Vũ nhận hối lộ 14,8 tỉ đồng.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, trong vụ án, ở hành vi này, bị can Nhàn được xác định là người nhiều lần đưa hối lộ cho các cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai trên. Song bị can Nhàn đang bỏ trốn.

Vậy cơ sở nào để cáo buộc các bị can Thành, Thái, Vũ nhận hối lộ?

Theo kết luận điều tra, bị can Thành khai 6 lần nhận tổng cộng 14,5 tỉ đồng từ Nhàn; bị can Thái khai trong 14 lần nhận tiền thì 10 lần do Nhàn đưa; Vũ 6 lần nhận tiền từ cấp dưới của bà Nhàn.

Cũng theo cơ quan điều tra, số tiền nhận hối lộ, bị can Thành khai đưa phần lớn tiền cho vợ để gửi tiết kiệm, đầu tư bất động sản.

Cơ quan công an đã lấy lời khai của vợ ông Thành, cùng sao kê tài khoản tiền gửi, tài khoản thanh toán bà này thực hiện từ năm 2009 đến 2020 và xác định phù hợp với lời khai của bị can.

Trong khi đó, bị can Thái khai, số tiền 14,5 tỉ đồng nhận hối lộ một phần để đưa cho vợ đóng học phí cho 2 con du học bên Mỹ. Vợ ông Thái cũng trình tài liệu liên quan đến tiền đóng học phí cho hai con. Theo đó, cơ quan điều tra thấy vợ chồng ông Thái khai phù hợp với nhau.

Mặt khác cơ quan điều tra cũng đã cho các bị can thực nghiệm địa điểm nhận, cất tiền và các túi đựng tiền.

Ngoài ra, C03 đã thu thập toàn bộ sao kê tài khoản ngân hàng của thủ quỹ, nhân viên Ban thư ký Tài chính để xác định số tiền nhóm nhân viên này đã nhận và sử dụng. C03 cũng trích xuất một số dữ liệu lưu lại tại USB thể hiện số tiền bị can Nhàn và cấp dưới đã đưa hối lộ cho Thành, Thái, Vũ.

Do đó, cơ quan chức năng đã cáo buộc 3 bị can trên có hành vi nhận hối lộ.

Vẫn xét xử dù bị cáo chưa bị bắt, vắng mặt

Một khía cạnh khác, mặc dù bị can Nhàn đang bỏ trốn song vẫn bị C03 đề nghị truy tố với 2 tội danh "Đưa hối lộ" và "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Hà Thị Khuyên (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, không chỉ khởi tố, ra kết luận mà việc truy tố, xét xử vắng mặt với bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn là có căn cứ.

Luật sư cho hay, căn căn cứ kết quả thu thập tài liệu, các sổ ghi chép, phục hồi trích xuất dữ liệu, lời khai của các cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai và các bị can, C03 kết luận đủ cơ sở xác định bà Nhàn là chủ mưu, cầm đầu và chịu trách nhiệm chính trong vụ án. Hành vi phạm tội của bị can đã rõ ràng nên C03 đã đề nghị truy tố Nhàn.

Việc Nhàn đang trốn truy nã, để truy tố và xét xử bị can này, cơ quan tố tụng sẽ áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 290 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015. Theo đó, tòa án có thể xét xử vắng mặt bị cáo trong các trường hợp: Bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả; Bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa.

Vì vậy, khi thuộc một trong các trường hợp quy định trên đây, tòa án có thể xét xử vắng mặt bị cáo. Việc điều tra, truy tố và xét xử vắng mặt đảm bảo đúng trình tự, thủ tục tố tụng luật định.

Việc bị can, bị cáo vắng mặt sẽ mất quyền tự bào chữa và nhờ người nào chữa, không được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn