MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công an kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông. Ảnh: CATPHCM

Có thể bị xử lý hình sự chứ không còn là “chuyện vui vẻ”

Vương TRẦN LDO | 04/01/2020 10:54

Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia có hiệu lực thi hành từ 1.1.2020 không chỉ cấm hành vi điều khiển phương tiện giao thông khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, mà còn nghiêm cấm hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia trước khi lái xe. Vậy, xử lý, truy cứu trách nhiệm người xúi giục, ép buộc này như thế nào?

Làm rõ thế nào là bắt ép uống rượu

Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Bùi Văn Xuyền nhận định, về tính thực tiễn của một số quy định trong Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia như xử lý các hành vi xúi giục, ép uống rượu, bia…, quá trình xử lý sẽ gặp những khó khăn nhất định. Việc mời rượu bia trong những bữa tiệc nhiều khi đơn giản chỉ là vui vẻ chứ không phải để đạt được mục đích vật chất nào khác. Với các trường hợp bắt ép uống bia, gây ra những hậu quả nghiêm trọng thì tội sẽ được xét tùy vào mức độ nghiêm trọng của sự việc.

“Để hiểu như thế nào là bắt ép? Hành động đó là lặp đi lặp lại hay hành vi bắt ép gây ra các hậu quả? Việc nhận diện phải qua các bước, trình tự nhất định. Còn việc xử lý hình sự thì hậu quả của việc bắt ép phải gây ra những hậu quả thuộc về trách nhiệm hình sự thì mới có thể xử lý được. Ví dụ, đối với các trường hợp bị bắt ép uống rượu bia và sau đó gây ra tai nạn giao thông nghiêm trọng, thì lại phải hướng đến nguyên nhân tại sao lại có hậu quả nghiêm trọng đó. Đã có quy định, sau khi uống rượu bia không được tham gia giao thông. Nếu sau khi uống rượu bia và không tham gia giao thông thì sẽ không có vấn đề gì xảy ra. Như vậy, trách nhiệm gây ra tai nạn sẽ thuộc về ai?” - ông Xuyền đặt vấn đề.

Cũng theo ông Xuyền, để xử lý theo tinh thần của luật thì còn một số vướng mắc và cần các nghị định liên quan hướng dẫn để luật có thể đi vào cuộc sống.

Điều chỉnh hành vi, thói quen uống rượu bia

Trao đổi với Lao Động, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội Đặng Thuần Phong cho biết: Quy định cấm xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia đầu tiên hướng tới việc tuyên truyền để mọi người thay đổi hành vi, thay đổi thói quen và văn hóa trong các cuộc nhậu, hạn chế dần việc ép buộc nhau uống rượu bia. “Hiện nay, thói quen của nhiều người là thường ép nhau, kích nhau trong những cuộc nhậu. Thông thường, là bạn bè, đồng nghiệp hay người thân thì không ai tố nhau hay kiện cáo về vấn đề bắt ép uống bia. Tuy nhiên, khi luật được đề ra thì việc bắt ép sẽ được hạn chế, hướng đến một xã hội văn minh và lành mạnh hơn” - ông Phong nói.

Bên cạnh đó, theo ông Phong cho hay, vẫn có những cách để xử lý những hành vi cố tình bắt ép người khác uống bia, vì trong Luật có quy định trách nhiệm quản lý nhà nước, người đứng đầu cơ quan đơn vị, những người có thẩm quyền. Về cơ chế giám sát thì hầu hết hiện nay các quán nhậu đều có lắp camera, nên văn hóa ép uống rượu bia sẽ được giám sát và xử lý khi có những trường hợp xấu xảy ra.

Trong những trường hợp xảy ra những hậu quả nghiêm trọng như đánh chém nhau, tai nạn giao thông, ẩu đả, phá hoại tài sản,… hoàn toàn có thể tố cáo đến các cơ quan có thẩm quyền. Để luật đi vào cuộc sống, theo ông Phong phải có quá trình hoàn thiện, hướng dẫn bổ sung bằng các Nghị định khác để mọi người thực hiện theo. 

Các hành vi bị nghiêm cấm theo Điều 5 của Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia:

1. Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia.

2. Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia.

3. Bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi.

4. Sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia.

5. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.

Phạt 35 triệu đồng đối với lái xe vi phạm nồng độ cồn

Ngày 2.1, theo thông tin từ Cục CSGT, Bộ Công an, các đơn vị chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với lái xe Lê Khắc T. về hành vi vi phạm nồng độ cồn vượt quá 0,4 miligam/ 1 lít khí thở. Cụ thể, vào khoảng 21h30, tổ công tác thuộc Đội 3 đang làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát  tại Km 188+300 trên cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình, tổ công tác đã dừng xe ôtô BSK 29C-45XX để kiểm tra nồng độ cồn. Tiến hành kiểm tra nồng độ cồn, trong hơi thở lái xe T có nồng độ cồn là 0,719 mg/l khí thở, vượt mức 0,4 miligam/1 lít khí thở là mức cao nhất trong khung xử phạt về vi phạm nồng độ cồn. Với lỗi vi phạm này, tài xế ôtô bị phạt 35 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 23 tháng.

Còn tại Hà Nội, ngày 2.1, lực lượng CSGT Công an thành phố Hà Nội đã đồng loạt triển khai xử lý vi phạm giao thông theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng CSGT Hà Nội đã xử phạt và tước hàng loạt giấy phép lái xe liên quan đến rượu, bia. Trong đó, có 1 trường hợp điều khiển xe máy bị phạt 7 triệu đồng, tước GPLX 23 tháng. Phạm Đông

Cảnh sát giao thông sử dụng máy kiểm tra nồng độ cồn thế hệ mới

Mới đây Cục Cảnh sát giao thông và các đơn vị chức năng đã đưa các thiết bị hiện đại vào kiểm tra nồng độ cồn. Theo đó, thiết bị này có công nghệ cảm biến thông qua hơi thở sẽ giúp các chiến sĩ CSGT dễ dàng tác nghiệp tại hiện trường. Đặc biệt thiết bị đo nồng độ cồn thế hệ mới sau khi kiểm tra sẽ không tồn đọng dư lượng nồng độ cồn của người kiểm tra trước. Sau khi đo, máy sẽ in ra thông số chi tiết của người vừa được kiểm tra. Theo đó, mỗi tài xế thổi vào ống thổi dài khoảng 5cm, to bằng đầu đũa. Kết quả sẽ được hiển thị ngay trên màn hình. Kết quả điện tử nên người vi phạm có thể nhìn thấy ngay. Trong trường hợp ngược lại, nếu không có vi phạm máy sẽ hiển thị kết quả “không có cồn”.

Các nước trên thế giới xử phạt lái xe uống rượu bia thế nào?

Nhiều nước trên thế giới có các mức xử phạt nghiêm khắc với những lái xe có nồng độ cồn trong hơi thở.

Giới hạn nồng độ cồn hợp pháp ở Singapore là 0.35 mg/1 lít khí thở hoặc 80 mg/100 ml máu. Cảnh sát có thể yêu cầu đo nồng độ cồn trong hơi thở để kiểm tra sơ bộ. Nếu từ chối tuân thủ, lái xe có thể bị bắt ngay mà không cần lệnh. Nếu bị kết tội, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 2.000 đến 10.000 đôla Singapore và/hoặc lên đến 1 năm tù nếu vi phạm lần đầu. Những người vi phạm nhiều lần phải đối mặt với mức phạt từ 5.000 đến 20.000 đôla và lên đến 2 năm tù.

Ở Anh, nếu một người bị kết tội lái xe khi nồng độ cồn vượt quá quy định 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0.35mg/1 lít khí thở có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 6 tháng, nộp phạt 2.500 bảng Anh hoặc cấm lái xe ít nhất 1 năm. Người từ chối cung cấp mẫu máu, hơi thở hoặc nước tiểu để đo nồng độ cồn có thể bị tù 6 tháng, bị phạt tiền hoặc cấm lái xe ít nhất 1 năm. Gây tử vong khi lái xe bất cẩn do uống rượu bia có thể bị phạt tù 14 năm, phạt tiền, cấm lái xe ít nhất 2 năm. Khánh Minh

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn