MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bộ Công an cảnh báo thủ đoạn chiếm đoạt sim để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Ảnh minh hoạ: Quang Việt

Công an cảnh bảo 4 thủ đoạn tội phạm chiếm quyền sim để chiếm đoạt tài sản

Quang Việt LDO | 11/03/2023 09:48

Trong khi Công an đưa ra cảnh báo một số phương thức, thủ đoạn chiếm quyền sim, để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chuyên gia đã chỉ cách phòng trách.

Công an Hải Phòng thông tin, gần đây nổi lên tình trạng các đối tượng tội phạm thực hiện thủ đoạn lừa chiếm đoạt quyền sử dụng sim điện thoại cá nhân, từ đó chiếm đoạt mật khẩu tài khoản ngân hàng, ví điện tử, tài khoản mạng xã hội… để chiếm đoạt tài sản

Theo Công an Hải Phòng, 4 thủ đoạn của nhóm tội phạm công nghệ cao thực hiện gồm:

Bước 1: Đối tượng thu thập thông tin cá nhân của bị hại, những thông tin này do lộ lọt, mua bán trên không gian mạng…

Bước 2: Lợi dụng chính sách dịch vụ của các nhà mạng di động cho phép thuê bao được chuyển hướng cuộc gọi đến một số điện thoại khác, đối tượng gọi điện cho bị hại giả danh nhân viên chăm sóc khách hàng của các nhà mạng, đề nghị bị hại nâng cấp sim điện thoại từ sim 3G lên sim 4G, 5G để nâng cao chất lượng…

Đối tượng yêu cầu nạn nhân nhắn tin theo cú pháp đối tượng đưa ra, thực chất đây là cú pháp để người dùng dịch vụ của các nhà mạng cho phép thuê bao di động chuyển hướng cuộc gọi đến một số điện thoại bất kỳ.

Sau khi bị hại gửi thành công tin nhắn đã soạn theo cú pháp trên, bị hại sẽ mất quyền kiểm soát sim vì sim của đối tượng lừa đảo trở thành sim “chính chủ“, mọi cuộc gọi đến thuê bao của người dùng lập tức được chuyển tiếp đến số điện thoại của đối tượng.

Bước 3: Đối tượng lừa đảo dễ dàng chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng, ví điện tử… của nạn nhân bằng cách đăng nhập và chọn tính năng quên “Quên mật khẩu”.

Nhà cung cấp dịch vụ sẽ gửi mã xác thực (OTP) đến sim điện thoại đối tượng vừa chiếm đoạt từ đó dễ dàng chiếm đoạt được tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng, ví điện tử của nạn nhân.

Bước 4: Đối tượng chiếm đoạt tiền của nạn nhân trong tài khoản ngân hàng, ví điện tử hoặc sử dụng thông tin của bị hại để vay tiền thông qua các App cho vay trên mạng, dẫn đến bị hại bị nợ các khoản tiền lớn.

Công an Hải Phòng đề nghị người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, không để các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước thủ đoạn trên, chuyên gia Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC), Trung tâm Giám sát An toàn không gian mạng quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông - khuyến cáo, người dùng khi phát hiện sim điện thoại bị vô hiệu hóa hoặc nghi ngờ bị chiếm đoạt quyền kiểm soát thì liên hệ ngay nhà mạng, yêu cầu khóa thẻ sim

Đặc biệt, khách hàng không đăng tải các thông tin nhạy cảm, giấy tờ cá nhân, tài sản lên mạng xã hội. Nếu cần chia sẻ thông tin danh tính cá nhân với ai đó qua các app như Zalo, Viber, Telegram, Messenger... sau chia sẻ xong nên thu hồi lại tin nhắn, để bảo đảm an toàn.

Chứng minh nhân dân, căn cước công dân đổi sang căn cước công dân gắn chip để được cơ quan chức năng quản lý, bảo mật tốt hơn: Tránh mua những sim số ảo, đã qua sử dụng vì có thể đã đăng ký những dịch vụ cho vay online hoặc những mục đích không rõ ràng.

Tạo một email hoặc trang bị số điện thoại riêng để đăng ký các dịch vụ yêu cầu nhập thông tin cá nhân. Trong trường hợp bị rò rỉ dữ liệu, người dùng cũng sẽ không quá lo lắng.

Không cung cấp thông tin cá nhân như số điện thoại, email cho những dịch vụ không thiết yếu, các nhà phát hành dịch vụ không cam kết bảo đảm an toàn thông tin cá nhân.

Không cho người khác mượn điện thoại, chứng minh nhân dân, căn cước công dân nếu không có mục đích chính đáng và thuyết phục; không nhấn vào các đường link trang web lạ từ tin nhắn SMS, email hay mạng xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn