MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đường Nguyễn Trãi ùn tác vào giờ cao điểm sáng qua 13.3. Ảnh: LĐO

"Cấm xe máy, có thể Hà Nội hơi vội vàng về mặt truyền thông"

Thành Trung LDO | 14/03/2019 14:34
Chuyên gia quy hoạch giao thông - TS Trương Thị Mỹ Thanh cho rằng có thể Sở GTVT Hà Nội hơi vội vàng về mặt truyền thông khi chưa công bố cho người dân biết những lợi ích và tính khả thi của việc cấm xe máy. 

Hơi vội vàng về mặt truyền thông

Về việc cấm xe máy trên 2 tuyến đường Nguyễn Trãi và Lê Văn Lương của TP Hà Nội, TS Trương Thị Mỹ Thanh - giảng viên Trường ĐH Công nghệ GTVT Hà Nội nhận định: "Có thể Sở GTVT TP hơi vội vàng về mặt truyền thông khi chưa công bố cho người dân biết những lợi ích và tính khả thi của việc cấm xe máy".

Theo TS Thanh, Hà Nội đã nghiên cứu và xây dựng mạng lưới giao thông kết nối, trung chuyển như xe đạp, xe buýt nhỏ và kết nối với các xe buýt hiện hữu.

"Nghĩa là người dân sống dọc hành lang tuyến hoàn toàn có thể sử dụng hệ thống chính là buýt nhanh BRT hay tàu điện trên cao, kết hợp những phương tiện này để thực hiện đầy đủ các chuyến đi hàng ngày", TS Thanh nói.

Chuyên gia này cho rằng, sau khi có những nền tảng thông tin về lợi ích một cách đầy đủ thì việc công bố tiếp theo về cấm xe máy chắc chắn sẽ nhận được nhiều sự đồng tình hơn.

"Người dân không còn phải quá lo ngại về việc nếu cấm xe máy thì tôi đi bằng phương tiện gì", TS Thanh nói.

 Chuyên gia quy hoạch giao thông - TS Trương Thị Mỹ Thanh. Ảnh: NVCC

"Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương này"

TS Thanh cho biết, theo kế hoạch mới nhất của Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội – MRB, từ nay đến năm 2030, Hà Nội dự kiến hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị gồm tuyến MRT số 1, MRT số 2, MRT số 2A, MRT số 3 và MRT số 4.

Những tuyến đường sắt đô thị nói trên sẽ đóng vai trò làm trục xương sống của vận tải đô thị, với khối lượng lớn, thời gian vận hành liên tục, kết hợp với mạng lưới xe buýt truyền thống sẽ đảm bảo được phần lớn nhu cầu đi lại của người dân.

Ngoài ra, việc kết hợp với việc phát triển các phương tiện trung chuyển như xe đạp công cộng, xe buýt nhỏ, tiếp cận của người dân tới mạng lưới giao thông công cộng sẽ tốt hơn nhiều.

"Như vậy, với vai trò của chuyên gia quy hoạch giao thông, tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương này. Nghĩa là, một mặt phát triển đồng bộ và tích cực hệ thống giao thông công cộng, mặt khác hạn chế phương tiện cá nhân (cả ôtô và xe máy) sẽ giúp cho giao thông đô thị phát triển bền vững, tránh tắc nghẽn và ô nhiễm môi trường", TS Thanh nói.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, để đạt được mục tiêu cấm hoàn toàn, TP Hà Nội cần có bước chuẩn bị cặn kẽ, từ việc tìm hiểu nhu cầu đi lại đặc thù của từng nhóm đối tượng (đi học, đi làm, giao hàng…) để bổ sung phương tiện hỗ trợ cho phù hợp.

"Ngoài ra, phát triển hệ thống phương tiện trung chuyển, mạng lưới giao thông hỗ trợ là rất quan trọng", TS Thanh nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn