MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công an Hải Phòng cảnh báo 10 phương thức, thủ đoạn hoạt động phổ biến và 10 biện pháp phòng ngừa hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng. Ảnh minh hoạ: Cổng TTĐT Công an Hải Phòng

Công an Hải Phòng cảnh báo 10 phương thức lừa đảo phổ biến qua mạng

Hoàng Khôi LDO | 01/12/2023 14:03

Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP.Hải Phòng vừa phát thông báo 10 phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản phổ biến.

Trong 10 phương thức lừa đảo được Công an Hải Phòng cảnh báo, có phương thức tuyển cộng tác viên online. Các đối tượng mạo danh nhân viên các sàn thương mại điện tử... tuyển cộng tác viên làm các nhiệm vụ chuyển tiền thanh toán các đơn hàng để tăng tương tác... Khi người bị hại chuyển tiền, chúng đưa ra các lý do: cộng tác viên thực hiện sai thao tác, chuyển sai số tiền thanh toán, quá thời gian..., dẫn đến tài khoản bị khóa và yêu cầu người bị hại chuyển tiền thêm để bảo lãnh, xác minh tài khoản... thì mới cho rút lại tiền gốc và lãi.

Phương thức thứ 2 là giả danh cơ quan thực thi pháp luật để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó, giả danh là cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, gọi điện đến người bị hại, thông báo có liên quan đến vụ án hình sự, ma túy, rửa tiền; giả danh nhân viên viễn thông gọi điện thông báo nợ cước viễn thông, nhân viên điện lực gọi điện thông báo nợ cước; giả danh Cảnh sát giao thông gọi điện thông báo phạt nguội, làm giả các lệnh bắt giam, quyết định khởi tố của cơ quan Công an, Viện kiểm sát để đe dọa người bị hại, yêu cầu người bị hại chuyển tiền vào tài khoản do chúng cung cấp...

Phương thức khác là kêu gọi đầu tư, tài chính, tiền ảo. Đối tượng lập ra các trang web, ứng dụng giao dịch tiền ảo, chứng khoán, ngoại hối..., kêu gọi người dân tham gia đầu tư để thu lợi nhuận. Các trang web và ứng dụng này có giao diện hình thức và nội dung rất giống với các trang web chính thống. Ban đầu, đối tượng thanh toán khoản tiền từ tiền ảo sang tiền thật rất dễ dàng để người bị hại tin tưởng. Sau đó, các đối tượng sẽ lấy lý do người bị hại thao tác không đúng, hệ thống bị lỗi... khiến người bị hại không rút được tiền.

Công an cảnh báo phương thức đánh cắp hoặc tạo tài khoản mạo danh trên mạng xã hội nhắn tin cho bạn bè, người thân để vay mượn tiền và yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng cho các đối tượng để chiếm đoạt. Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo mua hàng trực tuyến với giá rẻ bằng cách đăng tin bán ô tô, xe máy, thiết bị điện tử, đồ tiêu dùng trên mạng xã hội... và yêu cầu phải đặt cọc trước. Sau khi nhận được tiền đặt cọc, đối tượng không giao hàng, khóa trang mạng và cắt đứt mọi liên lạc với người bị hại.

Các đối tượng mạo danh là giáo viên, nhân viên y tế nhà trường hoặc nhân viên y tế bệnh viện liên hệ trực tiếp với phụ huynh học sinh báo tin về việc học sinh bị tai nạn, đang nhập viện cấp cứu, yêu cầu phải nhanh chóng chuyển tiền để đóng viện phí, cấp cứu bệnh nhân, từ đó chiếm đoạt tài sản...

Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo bằng phương thức giả yêu đương, gửi nhận quà từ nước ngoài; lừa vay tiền trực tuyến; cài đặt ứng dụng giả mạo hoặc lừa đảo trúng thưởng, quà tặng để chiếm đoạt tài sản...

Để phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an thành phố đề nghị người dân đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi từ người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước, đặc biệt là lực lượng Công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án không liên quan đến mình. Đồng thời, không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở, mã OTP, số tài khoản ngân hàng; không nên nghe và làm theo những lời hướng dẫn, giới thiệu, dụ dỗ làm theo các cách thức làm việc nhẹ nhàng, kiếm tiền dễ dàng... Khi nhận được các cuộc gọi có nội dung như trên, người dân liên lạc ngay với cảnh sát khu vực, công an xã, phường, thị trấn nơi cư trú.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn