MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lừa đảo qua mạng ngày càng tinh vi, khó lường. Ảnh minh họa

Công an Kiên Giang tiếp nhận 22 vụ lừa đảo qua mạng, thiệt hại 26 tỉ đồng

NGUYÊN ANH LDO | 28/05/2024 13:53

Những tháng đầu năm 2024, Công an Kiên Giang đã phát hiện, tiếp nhận, xử lý 22 vụ lừa đảo qua mạng, thiệt hại ban đầu được xác định khoảng 26 tỉ đồng. Ngoài ra vẫn còn một số vụ việc người dân chưa báo cơ quan công an do nhiều lý do khác nhau.

Số vụ gia tăng phức tạp, phương thức tinh vi hơn

Theo Đại tá Nguyễn Nhật Trường, Phó Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang cho biết, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến rất phức tạp. Mặc dù lực lượng công an đã có nhiều cố gắng, nỗ lực trong công tác đấu tranh, phòng ngừa, tuy nhiên tình hình tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng vẫn đang có xu hướng gia tăng với thủ đoạn tinh vi hơn.

“Chúng tôi rất mong người dân trình báo các vụ việc lừa đảo, từ đó có thể cảnh báo cho mọi người đồng thời lực lượng công an sẽ tiếp nhận, xử lý tốt hơn. Sự tham gia của người dân, cung cấp thông tin cho lực lượng công an để chúng tôi kịp thời phát hiện những băng nhóm, tổ chức, cá nhân lợi dụng không gian mạng để lừa đảo”, Đại tá Nguyễn Nhật Trường chia sẻ.

Các đối tượng lừa đảo thường nhắm vào người cao tuổi, trẻ em, học sinh, sinh viên, công nhân, người lao động, nhân viên văn phòng... Chúng dùng nhiều hình thức, chiêu trò như sử dụng tổng đài ảo giả danh cơ quan điều tra, viện kiểm sát... để hù dọa nạn nhân yêu cầu chuyển tiền rồi chiếm đoạt; Sử dụng mạng xã hội làm quen tán tỉnh, yêu đương, hứa hẹn tặng tiền, quà rồi phối hợp với đối tượng giả danh nhân viên hải quan, sân bay lừa đóng thủ tục hải quan, thuế để nạn nhân chuyển tiền vào các tài khoản do chúng chỉ định; Chiếm đoạt quyền sử dụng tài khoản mạng xã hội, cung cấp thông tin giả lừa người thân, bạn bè của chủ tài khoản chuyển tiền...

Hiện nay, Công an tỉnh Kiên Giang rất quan tâm loại tội phạm lừa đảo trên không gian mạng bởi đây là loại tội phạm chiếm đa số. Vì vậy nên công tác phòng ngừa, tuyên truyền, thông báo phương thức, thủ đoạn hoạt động và tác hại của tội phạm sử dụng công nghệ cao, nhất là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng nhằm giúp người dân nâng cao ý thức cảnh giác, phát hiện, tố giác tội phạm, cùng lực lượng công an đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm.

Tỉnh táo nhận diện, cùng tham gia tố giác tội phạm

Như vụ việc hồi tháng 3.2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với các đối tượng “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”. Sau khi nghỉ việc ở công ty dịch vụ tài chính, các đối tượng tự ý lưu trữ dữ liệu thông tin cá nhân người sử dụng thẻ tín dụng rồi gọi điện lừa chủ thẻ cung cấp thông tin để chiếm đoạt tài sản.

Các đối tượng lừa đảo trong vụ án hồi tháng 3.2024. Ảnh: Công an cung cấp

Khi có chủ thẻ tin tưởng và đồng ý, các đối tượng yêu cầu chủ thẻ cung cấp các số thẻ, mã bảo mật, hạn sử dụng thẻ và dặn chủ thẻ khi nhận được mã OTP từ tin nhắn của ngân hàng thì phải cung cấp ngay. Khi có thông tin chủ thẻ cung cấp, các đối tượng sử dụng 1 điện thoại kết nối Internet, truy cập vào các trang bán hàng trực tuyến để đặt mua và thanh toán các loại hàng hóa có giá trị lớn như điện thoại iPhone, đồng hồ... Sau khi bên bán xác nhận thanh toán đơn hàng thành công thì các đối tượng đi nhận hàng theo địa chỉ đã đặt và mang đi bán lấy tiền về chia nhau.

Để phòng ngừa loại tội phạm này, Công an tỉnh cũng chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương triển khai các biện pháp nghiệp vụ để nắm tình hình các đối tượng, băng nhóm có biểu hiện hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; thực hiện tốt công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm... để kịp thời phát hiện, đấu tranh, xử lý.

Công an tỉnh khuyến cáo người dân không công khai các thông tin cá nhân lên các trang mạng xã hội để tránh bị các đối tượng lợi dụng khai thác, sử dụng để lừa đảo. Cảnh giác đối với những chiêu trò nhận thưởng qua mạng, người thân nhắn tin nhờ mua thẻ cào điện thoại hoặc nhờ chuyển tiền... Người dân cũng cần cảnh giác với đối tượng tự xưng là cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án... gọi điện giả danh yêu cầu làm theo chúng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn