MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện trường vụ việc tại cầu Đông Trù sáng 1.3. Ảnh chụp màn hình

Công an lập hồ sơ xử lý vụ việc người mẹ ôm con tạo hiện trường tự tử để dọa chồng

KHÁNH AN LDO | 02/03/2024 11:06

Công an quận Long Biên (TP Hà Nội) lập hồ sơ xử lý theo quy định vụ việc người mẹ ôm con, tạo hiện trường giả nhảy cầu tự tử để dọa chồng trên cầu Đông Trù.

Ngày 2.3, Công an TP Hà Nội thông tin về việc tạo hiện trường giả nhảy cầu Đông Trù của một phụ nữ ở tỉnh Vĩnh Phúc.

Theo đó, vào sáng sớm 1.3, Trung tâm thông tin chỉ huy Công an thành phố tiếp nhận tin báo từ quần chúng nhân dân (qua tổng đài 113) về việc có 1 xe ôtô biển kiểm soát 88A-178.xx đỗ trên cầu Đông Trù, quận Long Biên, không thấy người bên trong hoặc trông giữ xe, nghi vấn có người nhảy cầu tự tử.

Trung tâm thông tin chỉ huy đã điều động lực lượng cứu nạn, cứu hộ và lực lượng Cảnh sát 113 Long Biên tổ chức xác minh thông tin và tìm kiếm.

Đến 11h cùng ngày, lực lượng chức năng xác định chị N.T.T.H (sinh năm 1990, ở xã Hương Sơn, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) là người điều khiển chiếc xe ôtô trên, chở 3 con trai đến cầu Đông Trù. Sau đó, 4 mẹ con xuống xe bỏ đi, mục đích để dọa chồng chứ không có ý định nhảy cầu tự tử.

Chị H đã gọi điện báo cho gia đình chồng biết, 4 mẹ con vẫn an toàn. Công an quận Long Biên lập hồ sơ xử lý vụ việc theo quy định.

Trong vụ việc này, Công an thành phố đã huy động nhiều lực lượng cứu nạn, cứu hộ làm nhiệm vụ tìm kiếm, rà soát trên sông, trên cầu Đông Trù và xung quanh khu vực xảy ra vụ việc; đồng thời nhanh chóng đưa thông tin chính xác, kịp thời, tránh gây hoang mang dư luận.

Trao đổi với Lao Động, luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật Pháp trị (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) - cho biết, nếu người phụ nữ cố tình tạo hiện trường giả để nhằm mục đích hù dọa, gây áp lực với người khác mà khiến lực lượng chức năng phải huy động nhiều lực lượng tìm kiếm thì đây được xác định là hành vi gây rối hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức.

Theo điểm d khoản 4 Điều 7 Nghị định 144/2021, cá nhân hành vi gây rối hoặc cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức sẽ bị xử phạt 3-5 triệu đồng.

Nếu sự việc người phụ nữ thuộc một trong các trường hợp sau thì có thể bị xem xét xử lý hình sự về tội gây rối trật tự công cộng: Cản trở, ách tắc giao thông đến dưới 2 giờ; Cản trở sự hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân; Thiệt hại về tài sản có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên.

“Tuỳ theo mức độ ảnh hưởng, người phụ nữ này có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự” - luật sư Lực cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn