MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cán bộ Công an Nghệ An tiếp nhận thông tin của phụ huynh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản sau khi đăng ký cho con học hè trên mạng xã hội. Ảnh: Văn Hậu

Công an Nghệ An khuyến cáo bẫy lừa đảo từ các khóa học hè trên mạng

QUANG ĐẠI LDO | 14/05/2024 10:25

Nghệ An - Cơ quan Công an đề nghị cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng bằng hình thức giả mạo các khóa học hè cho trẻ em.

Ngày 14.5, Công an tỉnh Nghệ An cho biết vừa có văn bản số 1622 gửi Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An về việc phối hợp phòng ngừa tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.

Theo đó, thời gian gần đây, Công an tỉnh Nghệ An phát hiện thủ đoạn lợi dụng mạng xã hội Facebook để hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức giới thiệu, tư vấn cho phụ huynh đăng ký cho con em tham gia các khóa học, hoạt động trải nghiệm, rèn luyện vào dịp hè.

Thông qua mạng xã hội Facebook, các đối tượng lập ra nhiều tài khoản cá nhân và fanpage như: “Mùa hè quân đội”, “Khóa tu mùa hè", “Khóa học cờ vua”, "Khóa rèn luyện marathon", “Cuộc thi tài năng nhí”... để thu hút phụ huynh đăng ký.

Công an Nghệ An khuyến cáo thủ đoạn lừa đảo qua các khóa học hè giả mạo trên mạng xã hội. Ảnh: Quang Đại

Để hoàn thành các bước đăng ký, các đối tượng yêu cầu phụ huynh thực hiện một số “nhiệm vụ” nhằm mục đích "tăng tương tác cho các nhãn hàng, các thương hiệu của nhà tài trợ" như: nhấn nút "'like - thích" và "share - chia sẻ" các bài viết, ảnh sản phẩm của nhà tài trợ; "nạp" và "rút" tiền thông qua ứng dụng ngân hàng điện tử theo các mức tiền mà đối tượng yêu cầu và tham gia nhóm kín trên ứng dụng như Telegram, Viber, Zalo...

Khi thực hiện các nhiệm vụ đầu tiên với số tiền yêu cầu nạp vào nhỏ, dưới một triệu đồng thì việc rút tiền thực hiện nhanh chóng, kèm theo số tiền hoa hồng (thường là 10%) để tạo lòng tin.

Sau đó, khi nạp só tiền lớn hơn thì các đối tượng thông báo một số lý do chưa rút được tiền như: nạp thuế, thao tác sai, nâng hạn mức... và yêu cầu phải nạp thêm tiền mới có thể rút được tiền về; một số nạn nhân với tâm lý muốn rút lại số tiền đã nạp vào nên tiếp tục chuyển thêm tiền vào tài khoản của các đối tượng.

Với thủ đoạn này, các đối tượng đã chiếm đoạt của nhiều bị hại trên cả nước với số tiền rất lớn, có bị hại lên đến hàng tỉ đồng.

Bên cạnh đó, trong các nhóm chat trên các ứng dụng như Telegram, Viber, Zalo..., các đối tượng lập ra bố trí nhiều tài khoản “chim mồi” đóng vai các phụ huynh để nhắn tin, gửi các thông tin tích cực vào nhóm, nhằm tạo niềm tin, thao túng tâm lý, dụ dỗ nạn nhân chuyền tiền.

Từ đó, Công an tỉnh Nghệ An đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo thông báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm đến các cơ sở giáo dục; yêu cầu Ban giám hiệu các trường tuyên truyền, phổ biến phương thức, thủ đoạn của tội phạm đến phụ huynh, học sinh.

Đồng thời rà soát, thông báo cho phụ huynh, học sinh các cơ sở, đơn vị tổ chức các khóa học tập, rèn luyện mùa hè có uy tín, có địa chỉ rõ ràng; hạn chế việc phụ huynh, học sinh đăng ký các khóa học tại các cơ sở trên không gian mạng không có địa chỉ rõ ràng để phòng ngừa việc bị lừa đảo.

Trường hợp phát hiện các tổ chức, cá nhân tổ chức khóa học tập, rèn luyện cho học sinh có dấu hiệu lừa đảo cần thông báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn