MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công an bắt quả tang ghe khai thác cát trái phép. Ảnh: Minh Sơn

Công an Tiền Giang ra quân xử lý cát tặc sau phản ánh của Báo Lao Động

Thành Nhân LDO | 13/03/2023 14:40
Sau khi Báo Lao Động phản ánh về tình trạng nhiều tàu khai thác cát trái phép "tung hoành" hạ nguồn sông Tiền, lực lượng công an tỉnh Tiền Giang ra quân bắt quả tang 6 tàu, ghe liên quan đến việc khai thác cát trái phép.

Ngày 13.3, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Tiền Giang xác nhận, lực lượng công an vừa bắt được 6 ghe gỗ, tàu sắt vận chuyển cát không rõ nguồn gốc.

Theo đó, khoảng từ 19-22h ngày 12.3, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Tiền Giang bắt quả tang 4 ghe gỗ, tàu sắt đang thực hiện hành vi khai thác cát trái phép trên sông Cửa Đại (thuộc địa bàn xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang), tổng khối lượng cát khai thác trái phép trên tàu, ghe của 4 phương tiện là hơn 42m3 cát.

Trước đó, lúc 1h sáng 12.3, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Tiền Giang phối hợp với Công an huyện Tân Phú Đông tuần tra khu vực sông Cửa Đại thuộc địa phận xã Tân Thạnh, huyện Tân Phú Đông.

Tại đây, công an phát hiện tàu sắt do ông Phạm Quốc Dũng (46 tuổi, ngụ huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre) điều khiển đang chở 90m3 cát. Thời điểm kiểm tra, những người đi trên tàu sắt không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp số cát nói trên, chưa xuất trình các loại giấy tờ có liên quan đến tàu sắt.

Sau đó, đến khoảng 1h50, tổ tuần tra trên lại phát hiện tàu sắt do anh Tô Vũ Phương (30 tuổi, ngụ huyện Mỏ Cày Nam) cầm lái nghi vấn đang vận chuyển 110m3 cát. Tại thời điểm kiểm tra, anh Phương cùng những người đi trên tàu không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của số cát nói trên.

Công an bắt quả tang ghe khai thác cát trái phép dưới hạ nguồn sông Tiền (đoạn thuộc địa bàn huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang). Ảnh: Minh Sơn

Trước đó, Báo Lao Động đã đăng thông tin: "Cát tặc tung hoành hạ nguồn sông Tiền" phản ánh về việc nhiều tàu khai thác cát trái phép “tung hoành” tại khu vực hạ nguồn Sông Tiền, đoạn nằm giữa ấp Giồng Keo, xã Phú Thạnh với Cù lao Thới Trung, dưới Cồn Bà.

Liên quan đến việc khai thác cát ở hạ nguồn sông Tiền, PGS.TS Lê Anh Tuấn - Giảng viên cao cấp Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ - phân tích: Cát ở vùng ven biển có nhiệm vụ gia cố, nếu khai thác cát ở đây sẽ rất dễ dẫn đến nguy cơ gia tăng tình trạng sạt lở.

Ngoài ra, theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, khi khai thác sẽ làm mất lớp cát mặt ở vùng cửa sông ven biển. Từ đó, khi nước mặn từ biển xâm nhập vào, không có lớp cát mặt sẽ dễ thấm xuống tầng nước ngầm trong lòng đất. Đồng thời, còn làm xáo trộn hệ sinh thái ở đây. Do vậy, nếu tình trạng khai thác cát ở vùng ven biển không được ngăn chặn kịp thời, tình trạng sạt lở sẽ còn gia tăng, đặc biệt là rất dễ dẫn đến hệ lụy nặng nề về sau.

PGS.TS Lê Anh Tuấn cũng cho biết thêm, những đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông không chỉ tác động làm thay đổi dòng chảy, đặc biệt là trong tình hình biến đổi khí hậu mà còn giữ lại lượng lớn bùn cát trong các hồ chứa thủy điện. Điều đó đã làm cho nguồn cát đi về ĐBSCL bị sụt giảm rất nhiều, giảm khoảng hơn một nửa so với trước.

Vì vậy, những năm qua việc khai thác cát nhiều mà không bồi đắp dẫn đến thiếu cát trầm trọng, đặc biệt là loại cát vàng (loại cát để xây dựng) phục vụ cho việc xây dựng các công trình trọng điểm ở ĐBSCL.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn