MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Phan Hồng Nguyên (đứng) - Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp). Ảnh: Bộ Tư pháp

Công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật phải thực chất

TRÍ MINH LDO | 21/08/2024 14:11

Bộ Tư pháp kiểm tra công tác hòa giải ở cơ sở, đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại xã Nhân Cơ (huyện Đắk R'lấp, tỉnh Đắk Nông).

Ngày 21.8, thông tin từ Bộ Tư pháp cho biết, đoàn kiểm tra do ông Phan Hồng Nguyên - Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) - làm trưởng đoàn đã phối hợp kiểm tra công tác hòa giải ở cơ sở, đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại xã Nhân Cơ (huyện Đắk R'lấp, tỉnh Đắk Nông).

Đoàn kiểm tra đã tiếp cận, kiểm tra thực tế hồ sơ lưu trữ và các tài liệu liên quan. Ngoài những kết quả đạt được, công tác hòa giải ở cơ sở của xã Nhân Cơ vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Hồ sơ công nhận, kiện toàn Tổ hòa giải ở cơ sở còn chưa đầy đủ. Một số hòa giải viên còn hạn chế về nghiệp vụ, kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải.

Về đánh giá, công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật vẫn còn một số nội dung chỉ tiêu, tiêu chí chưa bảo đảm như: Chưa ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở xã theo quy định tại Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022; Chưa thực hiện việc lập, cập nhật Danh mục thông tin phải công khai theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin; Nội dung Kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2023 còn chung chung, chưa bám sát vào tình hình thực tiễn của địa phương, chưa thể hiện các hoạt động cụ thể, một số nhiệm vụ không thuộc chức năng, nhiệm vụ của chính quyền cấp xã, khó bảo đảm tính khả thi.

Theo ông Phan Hồng Nguyên - Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật - việc đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật là nhiệm vụ thường xuyên, độc lập và phải bảo đảm thực chất, tránh hình thức.

Ông Phan Hồng Nguyên đề nghị Sở Tư pháp tỉnh Đắk Nông tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, theo dõi việc thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị cấp xã trên địa bàn; Nâng cao trách nhiệm của Hội đồng đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật trong thẩm định hồ sơ xét công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật của cấp xã;

Chú trọng việc tổ chức tập huấn, kiểm tra chuyên đề về phổ biến giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, tiếp cận pháp luật. Qua đó, hỗ trợ, giải đáp các vấn đề mà cơ sở còn lúng túng, khó khăn, vướng mắc;

Đặc biệt, cần có chế độ khen thưởng, hỗ trợ kịp thời đối với đội ngũ hòa giải viên, đây là lực lượng quan trọng, nòng cốt trong công tác hòa giải ở cơ sở.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn