MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tranh minh hoạ.

Công ty đòi nợ vi phạm pháp luật: Cần xem xét trách nhiệm của cả chủ nợ

Cao Nguyên LDO | 22/09/2018 19:21
Trước việc Bộ Tài chính bỏ quy định chủ nợ không phải chịu trách nhiệm liên đới đối với những hành vi mà doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ đòi nợ vi phạm pháp luật, nhiều chuyên gia, đại biểu quốc hội cho rằng, việc bỏ hay không phải nêu rõ chi tiết và từng trường hợp cụ thể.

Chủ nợ vô can?

Theo quy định hiện hành, chủ nợ không phải chịu trách nhiệm liên đới đối với những hành vi mà doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ đòi nợ vi phạm pháp luật. Nhưng trong dự thảo mới, Bộ Tài chính đã bỏ quy định này với lý giải trên thực tế, một số chủ nợ có yêu cầu các công ty đòi nợ thực hiện các hành vi như đe dọa, sử dụng vũ lực gây mất an ninh, trật tự xã hội để buộc con nợ phải trả tiền. Do đó, dự thảo quy định trong một số trường hợp, chủ nợ phải chịu trách nhiệm liên đới đối với những hành vi mà DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ vi phạm pháp luật.

Trước quy định này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết trong hoạt động cung cấp dịch vụ đòi nợ, DN đòi nợ bằng nghiệp vụ sẽ đòi các khoản nợ cho khách hàng và được hưởng phí (từ 5%-45% trong tổng số tiền nợ tùy thỏa thuận) nhưng phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật đối với hoạt động của mình. Chủ nợ không có nghĩa vụ phải chịu trách nhiệm hay có nghĩa vụ gì đối với cách thức thực hiện của DN đòi nợ.

Theo VCCI, trên thực tế, có thể xảy ra tình huống chủ nợ yêu cầu hoặc khuyến khích DN đòi nợ thực hiện các hành vi bất hợp pháp để đòi nợ. Tuy nhiên, nếu DN đòi nợ chân chính sẽ không chấp nhận các yêu cầu này, bởi họ có nghĩa vụ thực hiện việc đòi nợ theo đúng quy định pháp luật. Còn chủ nợ với tư cách là khách hàng, về mặt nguyên tắc, họ không thể kiểm soát hay can thiệp được các hoạt động của DN đòi nợ.

Cần quy định chi tiết, rõ ràng

Về vấn đề này, trao đổi với Lao Động, ông Phạm Văn Hòa - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp - cho rằng, ở đây có hai góc độ khác nhau, cần phải khách quan để tránh bỏ qua một quy định gây tranh cãi.

Theo ông Hòa, trong trường hợp nếu chủ nợ và Công ty đòi nợ có hợp đồng rõ ràng, nhưng quá trình thực hiện chủ nợ có xúi giục, tham gia vào việc của Công ty đòi nợ để dẫn đến những vi phạm pháp luật thì tất nhiên phải xử lý cả hai. Tuy nhiên, trong trường hợp đã có hợp đồng với Công ty đòi nợ, giao trách nhiệm hoàn toàn cho Công ty đó và không tham gia khi cá nhân hay đơn vị đòi nợ vi phạm pháp luật thì lúc này chủ nợ vô can. “Ông A thuê ông B đi đòi nợ nhưng cần phải chấp hành những quy định luật pháp của nhà nước trong thu hồi nợ. Còn nếu ngoài phạm vi quyền hạn và trách nhiệm ông A trong hợp đồng thì khi phạm pháp là việc của ông B. Nếu không xét các khía cạnh rõ ràng mà cứ đưa chủ nợ vào chịu trách nhiệm liên quan thì liệu sau này còn ai sử dụng dịch vụ này nữa không?” - ông Hòa nói.

Trong khi đó, luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn luật sư Hà Nội) thì cho rằng, cần phải gắn trách nhiệm của chủ nợ trong việc thuê công ty đòi nợ. Theo quy định tại Điều 600 - Bộ luật Dân sự năm 2015 về bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra như sau: “Cá nhân, pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra trong khi thực hiện công việc được giao và có quyền yêu cầu người làm công, người học nghề có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, luật sư Ứng cho rằng, trong trường hợp nếu chủ nợ thuê công ty đòi nợ mà vi phạm pháp luật thì chủ nợ phải chịu trách nhiệm. Trong trường hợp mà để xảy trường hợp cá nhân của công ty đòi nợ đi tù thì chủ nợ phải bồi thường khoản tiền dân sự do cá nhân kia gây ra.

Theo anh Hoàng (Chủ DN kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ ở trên địa bàn Bắc Từ Liêm) thì việc chủ nợ phải chịu trách nhiệm liên đới đối với những hành vi mà doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ đòi nợ vi phạm pháp luật là cần thiết, bởi “không có lửa làm sao có khói”. Việc thỏa thuận trong hợp đồng là một chuyện nhưng xét về bản chất thì phải làm rõ nguyên nhân xuất phát từ đâu.

“Nếu DN kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ mà vi phạm nhưng không khai chủ nợ, chỉ cho rằng thấy sự việc đó là của một người anh hay một người bạn rồi tự đến giải quyết hộ thì lúc đó chủ nợ mới không phải liên đới. Còn lại cần phải làm rõ mối quan hệ giữa chủ nợ và người được thuê nợ”, anh Hoàng nói.

Luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng, quy định này là bất cập và khó thực thi. Chủ nợ và công ty đòi nợ ký hợp đồng thỏa thuận quyền lợi và nghĩa vụ của các bên. Bên chủ nợ không thể giám sát, không thể điều khiển được hành vi của người đi thực hiện đòi nợ. Quy định này sẽ không thực hiện được ở thực tế.

Đồng tình với quan điểm này, phía VCCI cho rằng chủ nợ có thể yêu cầu hoặc khuyến nghị cách thức thực hiện đòi nợ, nhưng việc có chấp nhận hay không là trách nhiệm của DN. Do đó, trường hợp DN đòi nợ thực hiện việc đòi nợ theo cách thức pháp luật cấm thì DN phải chịu hoàn toàn trách nhiệm với việc này, không quan trọng là hành vi này xuất phát từ gợi ý hay yêu cầu của ai.

Cũng trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 104/2007 về việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ, nhằm hạn chế tối đa những bất cập của hoạt động kinh doanh, Bộ Tài chính có đề xuất sửa đổi nội dung về điều kiện kinh doanh, bổ sung quy định về trang phục đối với nhân viên đòi nợ. Theo đó, người lao động của doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ đòi nợ khi đi đòi nợ phải mặc trang phục, đeo thẻ nhân viên và xuất trình giấy giới thiệu của DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ khi làm việc trực tiếp với chủ nợ, khách nợ hoặc với tổ chức, cá nhân khác liên quan. C.N

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn