MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nguyên nhân lật cano PPC Cần Giờ không liên quan đến chất lượng, an toàn kỹ thuật của con tàu.

Cục Điều tra Viện KSND tối cao đang thụ lý vụ chìm cano PPC Cần Giờ, Phó Viện trưởng Viện KSND TPHCM bị tố cáo

Đỗ Văn LDO | 14/06/2017 14:00
Trong công văn mới đây gửi cho ông Lê Văn Học - người tố cáo đích danh ông Đoàn Tạ Cửu Long - Phó Viện trưởng Viện KSND TPHCM, Viện KSND TP HCM cho biết: Cục Điều tra Viện KSND tối cao đang thụ lý, giải quyết nội dung tố cáo của các cá nhân, tổ chức đối với ông Đoàn Tạ Cửu Long.

Vụ án 4 năm, không chứng minh được tội phạm

Bức xúc vì vụ án tai nạn giao thông chìm tàu Cần Giờ bị kéo dài khiến Giám đốc Cty CP công nghệ Việt Séc vướng vào vòng lao lý, ông Lê Văn Học - Phó Giám đốc Cty đã đứng đơn tố cáo đích danh ông Đoàn Tạ Cửu Long - Phó Viện trưởng Viện KSND TP HCM có những hành vi vi phạm tố tụng, gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho công dân, DN và tập thể người LĐ.

Vụ án kéo dài 4 năm đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho công dân, doanh nghiệp và người lao động. Trong ảnh: Sản phẩm tàu tuần tra PPC của CSB VN do Cty Việt Séc chế tạo.

Việc tố cáo của ông Lê Văn Học đã được Báo Lao Động phản ánh từ năm 2015 (xem bài: “Dấu hiệu oan sai trong vụ Giám đốc Cty Việt Séc bị truy tố: Phó Viện trưởng Viện KSND TPHCM bị tố đích danh” LĐ số 155 ra ngày 9.7.2015). Mới đây, ông Lê Văn Học cho biết, vừa nhận được công văn của Viện KSND TP HCM (CV 156-06/VKS-P2 ngày 16.5.2017) cho biết nội dung tố cáo của ông Lê Văn Học, của bị can Vũ Văn Đảo và tổ chức đối với ông Đoàn Tạ Cửu Long hiện đang được Cục Điều tra Viện KSND tối cao thụ lý, giải quyết.

Cùng với việc ông Lê Văn Học và ông Vũ Văn Đảo đứng đơn tố cáo, do ông Đảo là luật sư thành viên, ngày 24.4.2017 Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã có công văn gửi Viện trưởng Viện KSND tối cao, Cục Điều tra Viện KSND tối cao “kiến nghị giải quyết đơn kêu oan của luật sư Vũ Văn Đảo và xử lý các vi phạm trong hoạt động tố tụng”.

Công văn ngày 24.4.2017 của Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: “Vụ án “Đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn” xảy ra ngày 2.8.2013 do Viện KSND TP HCM phê chuẩn… Tòa án đã hai lần trả lại hồ sơ với nhận định rõ ràng: “Đối với các nguyên nhân được cáo trạng viện dẫn nêu trên, không có nguyên nhân nào liên quan đến việc chứng minh hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra là do “đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy rõ ràng không bảo đảm an toàn” như cáo trạng truy tố”.


Cũng theo công văn của Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: “Các vi phạm pháp luật trong hoạt động tố tụng là nguyên nhân dẫn đến một vụ án có dấu hiệu oan sai kéo dài suốt 4 năm qua mà những người có thẩm quyền tại các cơ quan tiến hành tố tụng TPHCM cố tình không giải quyết”.

Cơ quan điều tra không tìm được lý do buộc tội

Như loạt bài điều tra của Báo Lao Động đã đăng tải, sau khi bị Tòa án ND TP HCM trả lại hồ sơ 2 lần, Viện KSND TPHCM đành trả lại hồ sơ cho Cơ quan CSĐT CA TPHCM, ngày 28.8.2015 Cơ quan điều tra đã phải tạm đình chỉ vụ án, tạm đình chỉ bị can với lý do chờ Kết luận giám định của Bộ GTVT. Nhưng khi có kết luận giám định về nguyên nhân tai nạn không liên quan đến chất lượng phương tiện thì Cơ quan CSĐT CA TPHCM trì hoãn tìm cách giải thích Kết luận giám định để có thể buộc tội được ông Vũ Văn Đảo (xem bài “Vụ chìm tàu PPC tại Cần Giờ: Cơ quan điều tra quyết chờ giải thích kết luận giám định đúng ý mình!” LĐO ra ngày 21.4.2017).

Đoàn công tác của Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến đối thoại với Cơ quan CSĐT CA TPHCM và Viện KSND TPHCM ngày 19.4.2017 nhưng đều không được lãnh đạo hai cơ quan này tiếp.

Với "nỗ lực" nhằm buộc tội ông Vũ Văn Đảo - Giám đốc Cty Việt Séc và ông Đinh Văn Quyết - Giám đốc Cty Vũng Tàu Marina, 21.4.2017 Cơ quan CSĐT CA TPHCM đã có CV gửi Cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng Bộ Quốc phòng đề nghị giải thích rõ thêm về phương tiện thủy BP 12-04-02 - cano bị chìm ở Cần Giờ.

Ngày 12.5.2017, Cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng Bộ Quốc phòng đã có CV trả lời khẳng định rõ: “Đăng kiểm Hải quân đã tiến hành thử hoạt động và cấp Giấy chứng nhận an toàn phương tiện thực tế trên tàu BP 12-04-02, là tàu được đóng mới bằng vật liệu PPC. Các thông số kỹ thuật cơ bản của tàu BP 12-04-02 (kích thước, sức chở, vùng hoạt động) được ghi trong Giấy chứng nhận an toàn phương tiện số 20.22-13/CN-ĐK ngày 1.7.2013 đều thỏa mãn với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 95-2016/BGTVT về phân cấp và đóng phương tiện thủy nội địa chế tạo bằng vật liệu PPC”.

Như vậy có thể nói, sau gần 2 năm tạm đình chỉ điều tra vụ án, Cơ quan CSĐT CA TPHCM đã không tìm thêm được bất kỳ chứng cứ nào để có thể buộc tội nhà sản xuất cano PPC đã đưa vào sử dụng phương tiện giao thông đường thủy không bảo đảm an toàn.

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn