MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thuyền bán hàng rong bao vây một tàu du lịch trên vịnh Hạ Long.

“Cuộc chiến” hàng rong trên vịnh Hạ Long

NGUYỄN HÙNG LDO | 29/10/2019 07:32

Vụ một chủ thuyền bán hàng rong trên vịnh Hạ Long, Quảng Ninh lớn tiếng chửi các nhân viên tàu du lịch và có những hành động thô tục về phía du khách, sau khi bị từ chối cho lên tàu bán hàng rong mới đây phần nào cho thấy các đối tượng bán hàng rong rắn mặt như thế nào. Đến nay, đã có hàng trăm thuyền bán hàng rong bị tiêu hủy và không ít chủ tàu du lịch, nhân viên tàu du lịch bị xử lý do “bắt tay” với thuyền bán hàng rong. Tuy nhiên, tình trạng hàng rong làm loạn trên vịnh vẫn chưa thuyên giảm.

Chẳng khác gì thủy chiến

Cho dù đến thời điểm này, tình trạng bán hàng rong trên vịnh Hạ Long đã giảm nhiều, nhưng trên Cổng thông tin điện tử của UBND TP.Hạ Long thỉnh thoảng vẫn xuất hiện các thông báo tìm chủ các phương tiện đang bị tạm giữ tại khuôn viên trụ sở UBND thành phố. Hầu hết trong số đó đều là những thuyền bán hàng rong - bị bắt khi đang cố gắng đua tốc độ để cặp vào mạn các tàu du lịch để gạ gẫm, dọa dẫm, lừa du khách mua hàng.

Một thời gian dài, những hình ảnh đó lặp đi lặp lại, với những oán thán của du khách thập phương bị lừa hoặc ép mua hàng hóa với giá “cắt cổ” nhưng chất lượng không tương xứng. Ban quản lý vịnh Hạ Long khi đó dù là một cơ quan cấp sở nhưng không có lực lượng mạnh nên đành bó tay trước những tay anh chị.

Sau năm 2015, tỉnh Quảng Ninh chuyển giao quyền quản lý ban này về TP.Hạ Long. Với đủ lực lượng mạnh, trong đó có công an, TP.Hạ Long đã liên tục duy trì các biện pháp mạnh để dẹp loạn. Một lãnh đạo thành phố đã từng một mình bước lên thuyền bán hàng rong của một số đối tượng cộm cán giữa vịnh Hạ Long và thẳng thừng tuyên bố, đại ý: Không rút về, đừng có trách!

Những cuộc truy bắt thuyền bán hàng rong có những lúc diễn ra khốc liệt, bởi nhiều đối tượng là dân xã hội nên manh động, chống đối quyết liệt và sẵn sàng đối đầu với các lực lượng chức năng, hoặc đe dọa, tấn công các tàu du lịch khi bị từ chối. Một lãnh đạo UBND TP.Hạ Long cho biết, không ít lần, các đối tượng huy động cả chục thuyền máy lao vào tấn công lực lượng chức năng để giải cứu cho đồng đội; hoặc rồ ga cả dàn thuyền máy đuổi theo để cướp lại thuyền đang bị các lực lượng chức năng kéo về. Trong chiến dịch dẹp loạn hàng rong trên vịnh Hạ Long, nhiều chủ tàu, nhân viên các tàu du lịch hợp tác với TP.Hạ Long cũng thường bị các đối tượng bán hàng rong chửi bới, đe dọa, thậm chí tấn công.

“Những đối tượng bán hàng rong manh động lắm. Không cho họ lên tàu, họ chửi bới, đe dọa về bờ sẽ xử lý, thậm chí đập vỡ kính tàu” - thuyền viên Trần Văn Minh cho biết.

“Đốt thuyền này, có thuyền khác!”

Theo ông Phạm Đình Huỳnh - Phó Trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long - đến nay, đã có gần 200 thuyền bán hàng rong bị thiêu hủy theo quy định. Năm 2018, khi Báo Lao Động đưa tin hàng trăm thuyền bán hàng rong bị đốt, có khá nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề này. Trong đó, nhiều người đặt câu hỏi: Đốt có đúng luật? Tại sao không bán đấu giá để đỡ lãng phí…?

“Các thuyền đó vi phạm thì bị đưa về bờ tạm giữ. Thành phố có thông báo 2 lần để các chủ phương tiện đến làm thủ tục nhận về, nhưng không ai đến vì các phương tiện đó không có giấy tờ gì. Bán đấu giá cũng chẳng ai mua vì mua về chạy thì phải mất rất nhiều công sức, tiền bạc để làm thủ tục đăng kiểm, đăng ký…” - ông Huỳnh cho biết.

Cũng theo ông Huỳnh, hàng trăm thuyền đã bị đốt như thế nhưng cũng không làm chùn chân một số đối tượng chuyên bán hàng rong trên vịnh. Một số đối tượng còn tuyên bố: Đốt thuyền này sẽ đóng thuyền khác và thực tế, không ít “trùm” bán hàng rong có vài thuyền bị tịch thu rồi bị đốt.

Trở lại câu chuyện một phụ nữ bán hàng rong trên vịnh Hạ Long mới đây tụt quần, chổng mông về phía du khách, sau khi bị từ chối cho lên tàu du lịch, theo cơ quan chức năng, người này là một “gương mặt thân quen” trên vịnh. Qua video mà các nhân viên tàu du lịch cung cấp, cơ quan chức năng đã xác minh được nhân vật này và có giấy triệu tập đến làm việc.

“Góp” một phần không nhỏ vào tình trạng bán hàng rong trên vịnh Hạ Long có sự tiếp tay của các thuyền viên, nhân viên tàu du lịch. Có thời điểm, chỉ trong vòng vài ngày mật phục, Ban quản lý vịnh Hạ Long đã ghi hình được khoảng 15 tàu du lịch để cho thuyền bán hàng rong cặp vào mạn bán hàng cho khách.

Khá nhiều thuyền viên, tàu du lịch bị đình chỉ hoạt động vì “bắt tay” với các đối tượng bán hàng rong. Tuy nhiên, với đồng lương cứng khoảng 2-3 triệu đồng/tháng, để kiếm mức đủ sống tối thiểu, các thuyền viên chỉ còn cách tăng giá từ các dịch vụ trên tàu, trong đó không loại trừ việc phối hợp với các thuyền bán hàng rong.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn