MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổ công tác lấy lời khai ban đầu khi bắt được Trương Công Chức - phạm nhân vượt ngục trốn truy nã suốt 32 năm. Ảnh: Công an cung cấp

Cuộc truy tìm phạm nhân vượt ngục trốn truy nã 32 năm ròng

Việt Dũng LDO | 28/01/2023 07:47
Đang thụ án giết người lúc 21 tuổi, Trương Công Chức đục tường vượt ngục và trốn truy nã ròng rã 32 năm, đến khi bị bắt giữ tóc, đã muối bạc.

Trong số 52 tội phạm trốn truy nã bị Phòng Truy nã, truy tìm (Phòng 10), Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an bắt giữ từ giữa tháng 11.2022 đến nay, Trương Công Chức khiến trinh sát hình sự tốn nhiều công sức nhất.

Theo đại tá Trần Ngọc Cường - Trưởng Phòng 10, khoảng tháng 9.2022, đơn vị đã lên kế hoạch truy tìm Trương Công Chức - đối tượng trốn truy nã 32 năm nay.

Hồ sơ thể hiện, cuối thập niên 1980, sau khi ra quân, Chức tham gia một vụ án giết người và bị TAND tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Dương) tuyên phạt 6 năm tù.

Tháng 10.1990, Chức đục tường vượt ngục và bị Công an tỉnh Sông Bé phát lệnh truy nã về hành vi "Trốn trại". 

Hồ sơ truy nã Chức chỉ vỏn vẹn trang giấy đã cũ, cùng tấm hình đen trắng của đối tượng, cùng một số thông tin. Lúc bỏ trốn, Chức mới 21 tuổi.

Vì vậy, trong suốt 32 năm qua, nhân dạng của đối tượng này có thể đã thay đổi. Tổ công tác Phòng 10 còn nhận định, giống với các đối tượng trốn truy nã lâu năm, Chức có thể thay tên, đổi họ, thậm chí trốn ra nước ngoài.

Hai trung tá thuộc Phòng 10 được lệnh làm "chủ công" lên đường truy tìm đối tượng. Các anh lái ôtô rong ruổi từ Hà Nội, đi dọc các tỉnh miền Trung để truy tìm dấu vết.

Cùng với đó, tổ công tác khác có nhiệm vụ trợ giúp đồng nghiệp để xác định mối quan hệ của Chức. Tuy nhiên, những người thân hoặc bạn bè cũ trước đây đều không liên lạc hay biết Chức đang ở đâu, do thời gian đã quá lâu.

Trong lúc mọi thứ gần như "đi vào ngõ cụt", tổ công tác bất ngờ có thông tin, nghi phạm đang sinh sống ở một tỉnh trên địa bàn Tây Nguyên. Khu vực này lập tức được khoanh vùng, tập trung truy vết.

Sau nhiều ngày trinh sát, cán bộ Phòng 10 xác định, Chức ở thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng nên cùng công an sở tại xác minh.

Thông tin lúc này cho thấy, sau khi vượt ngục, Chức ở TPHCM một vài năm sau đó ngược ra Quảng Trị, rồi cuối cùng "cắm dùi" tại thành phố ngàn hoa.

Những tưởng thông tin "cơ bản" về đối tượng sẽ giúp công việc truy tìm, truy bắt dễ dàng. Song, không ai biết đến Trương Công Chức hay bất kỳ thông tin gì về nhân thân, lai lịch của đối tượng.

Hai trinh sát hình sự dày dặn với quyết tâm phải bắt bằng được đối tượng, đã không kể ngày, đêm lật tung các địa điểm Chức có thể xuất hiện.

Trong tình thế "mò kim đáy biển", cuộc truy tìm có lúc tưởng rơi vào bế tắc. Song, một ý nghĩ chợt xuất hiện và được đưa ra thảo luận nhanh giữa hai trinh sát hình sự: Chức có thể sử dụng giấy tờ của người khác và người này là quân nhân.

Giữa tháng 12.2022, tổ công tác khoanh vùng nhỏ hơn nơi sinh sống của Chức để tập trung rà soát. Hàng trăm trường hợp có sự tương đồng với Chức như độ tuổi, hình dáng, tập quán được đưa vào tầm ngắm song không có kết quả.

9h30 ngày 18.12.2022, sau thời gian dài, tốn nhiều công sức, các trinh sát đã khoanh vùng được đối tượng. Ngoài 2 trinh sát có vai trò "cầm trịch", nhiều cán bộ được huy động, chia làm các mũi, bao vây căn nhà kiên cố nằm sâu trong tiểu khu 40 của thành phố.

Lúc đó, một tổ công tác có cả công an sở tại vào nhà lấy lý do mời Chức lên phường làm việc để "tránh bắt nhầm người". Lần đầu tiên "mặt đối mặt" với mục tiêu, trinh sát truy nã bằng kinh nghiệm nghề nghiệp nhận ra ngay đó là người các anh truy tìm 3 tháng qua.

Lúc đó, Chức vừa hồi phục sau khi trải qua tai biến nặng, giọng nói cũng biến dạng. Tuy vậy, đối tượng tỏ ra khá bình tĩnh, vẻ mặt không biến sắc và né tránh toàn bộ câu hỏi mang tính lộ thân phận.

Chức quanh co, không nhìn thẳng vào mắt cảnh sát và vờ nói không rõ chữ vì vừa bị tai biến. Sau gần một ngày đấu tranh, Chức mới thừa nhận là người trốn truy nã 32 năm trước. Khi Chức bị bắt, cả vợ và con đối tượng sững người.

Chức khai, sau khi vượt ngục, dùng giấy tờ quân nhân của một người khác và đổi tên thành Lê Danh. Đối tượng thường mặc quần áo quân nhân để tạo vỏ bọc suốt thời gian qua.

Sau đó, Chức lấy vợ, sinh con. Hàng ngày, đối tượng sống khép kín với người dân bản địa, quanh quẩn làm nghề trồng hoa ở Đà Lạt và gần như không đến các địa bàn khác.

Như vậy, sau 3 tháng truy tìm, đi qua 19 thành phố, 124 địa điểm, với tổng số gần 5.000km, tổ công tác đã bắt giữ đối tượng trốn truy nã dưới vỏ bọc một quân nhân. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn