MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cựu Bí thư Tỉnh uỷ Hải Dương - Phạm Xuân Thăng. Ảnh: Nam Anh

Cựu Bí thư Hải Dương thấy đau xót vì sai phạm mà bị khai trừ khỏi Đảng

Việt Dũng LDO | 09/01/2024 20:22

Ông Phạm Xuân Thăng - cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương - cho rằng, bản thân bị khai trừ ra khỏi Đảng đã là hình phạt nặng nề, đau xót nên mong Hội đồng xét xử (HĐXX) giảm nhẹ.

Tối 9.1, trước khi nói lời sau cùng, một số bị cáo ở đại án Việt Á đã có phần tự bào chữa, trong đó có cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng, Phan Quốc Việt - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á...

Phan Quốc Việt trong hơn 10 phút tự bào chữa cũng mong tòa làm rõ bản chất vụ án để có bản án khách quan. Việt thừa nhận mọi sai phạm khi tự thấy mọi việc đều xuất phát từ anh mà ra để liên quan đến nhiều người.

Theo Việt, giữa đại dịch "không có bất kỳ cơ chế gì" nên "chỉ sai phạm mới có thể chống dịch". Việt ví dụ như ở Hải Dương, lúc đó đã có 5 đơn vị được Bộ Y tế cử về hỗ trợ dập dịch nhưng "đều hỏng".

Việt Á là đơn vị thứ 6 vào cuộc "với nhiều thị phi" nhưng chỉ 4 tuần sau đã chống dịch thành công. "Bị cáo không kể công mà ở đây có sự quyết liệt của Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng.

Lúc đó, ông Thăng còn bảo với bị cáo là sao chú không đến sớm hơn, chỉ sớm tầm 10 ngày thôi để anh đỡ vất vả như thế này", Việt giãi bày. Không chỉ hỗ trợ địa phương về sản phẩm, Việt cho rằng kit test Việt Á còn giúp giảm nhiều về chi phí.

Ở Hải Dương, Việt Á đã hoàn thành hơn 750.000 mẫu xét nghiệm chỉ với chi phí 131 tỉ đồng. Như vậy, một lượt người xét nghiệm chưa đến 20.000 đồng. Cùng lúc đó, Bệnh viện Nhiệt Đới Trung ương cũng đang làm xét nghiệm ở tỉnh này với hợp đồng 17 tỉ đồng song "số lượng mẫu đạt được rất ít".

Ông chủ Việt Á tự nhận mình đã "nghiên cứu" ra cách xét nghiệm mẫu gộp với máy móc, thiết bị, kit test tối ưu. "Chính điều này đã làm giảm chi phí đến vài nghìn tỉ đồng. Bị cáo mong HĐXX xét rõ giữa công và tội chứ đừng lấy công buộc tội mà tội cho bị cáo và những người khác", Việt nói.

Phản bác lại, đại diện Viện Kiểm sát (VKS) cho rằng sai phạm của các bị cáo "rất nghiêm trọng" nên buộc phải xử lý. Hành vi của 38 bị cáo đã gây thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước, số tiền này nếu đem đi giúp đỡ cho người nghèo hoặc dùng để chống dịch sẽ giảm thiểu rất nhiều.

Trước bào chữa của Việt, VKS cho hay Việt Á đi chống dịch nhưng thu lợi bất hợp pháp nên "không thể xem xét đây là công để giảm nhẹ được".

Trong phần tự bào chữa, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng cũng đề nghị HĐXX "đánh giá đúng công, tội của ông".

Theo cựu bí thư, Hải Dương với dân số hơn 2 triệu người có nền kinh tế đứng thứ 11 cả nước. Địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp, công ty nước ngoài, công nhân lao động ngoại tỉnh đông. Bởi thế chống dịch "rất quan trọng, cấp thiết".

"Mỗi ngày bị cách ly, Hải Dương bị thiệt hại hơn 300 tỉ đồng nhưng có lần chúng tôi phải giãn cách xã hội đến 16 ngày. Thế nhưng với sự quyết tâm cao độ, toàn tỉnh đã khống chế dịch chỉ sau 64 ngày. Đấy, HĐXX cứ cộng ra mà tính xem chúng tôi đã có công với nền kinh tế địa phương như thế nào", ông Thăng nói.

Về thiệt hại, ông Thăng cho rằng Hải Dương chỉ nằm trong phạm vi một tỉnh, không thể chi phối đến các địa phương khác. Hải Dương thiệt hại thứ 3 trong các tỉnh bị cáo buộc sai phạm nhưng ông thấy mức án các bị cáo bị đề nghị lại cao nhất, chỉ một người được đề nghị án treo.

Ông Thăng xin "nhận trách nhiệm người đứng đầu" và mong HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho ông cùng các bị cáo khác tại Hải Dương, những người đã "kề vai sát cánh" cùng ông trong lúc chống dịch căng thẳng nhất.

Trong vụ án này, lần đầu tiên có ba nguyên Ủy viên Trung ương Đảng cùng bị đưa ra xét xử là ông Thăng, Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh.

"Ba Ủy viên Trung ương Đảng chúng tôi đều đã bị khai trừ ra khỏi Đảng nên đây đã là hình phạt nặng nề nhất, đau xót nhất. Chúng tôi không còn gì cả nhưng cũng thấy thỏa đáng, không thắc mắc. Sắp tới, chúng tôi lại phải nhận án phạt hình sự nên đau lắm, mong HĐXX xem xét giảm nhẹ", ông Thăng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn