MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bị cáo Trần Hùng - cựu Cục Phó Quản lý thị trường nghe toà tuyên án. Ảnh: Quang Việt

Cựu Cục phó Quản lý thị trường Trần Hùng lĩnh 9 năm tù vì Nhận hối lộ

Việt Dũng LDO | 27/07/2023 11:20

Hà Nội - Toà cho rằng bị cáo Trần Hùng - cựu Cục Phó Cục Quản lý thị trường Hà Nội, cựu Tổ trưởng Tổ 304, Tổng cục Quản lý thị trường có hành vi nhận hối lộ 300 triệu đồng của "bà trùm" sản xuất sách giáo khoa giả.

This browser does not support the video element.

Video chủ toạ công bố mức án với bị cáo Trần Hùng và 3 cựu cán bộ quản lý thị trường Hà Nội. Video: Việt Dũng

Sáng 27.7, sau một tuần xét xử, nghị án, TAND Hà Nội đã tuyên phạt Trần Hùng - cựu Cục phó Cục Quản lý thị trường Hà Nội, cựu Tổ trưởng Tổ 304, Tổng cục Quản lý thị trường mức án 9 năm tù về tội "Nhận hối lộ" và phạt bổ sung 80 triệu đồng.

Ba bị cáo cựu cán bộ Đội Quản lý thị trường 17, trong đó Lê Việt Phương - Đội phó, bị xử phạt 30 tháng tù, Phạm Ngọc Hải 20 tháng tù nhưng cho hưởng án treo và Thành Thị Đông Phương 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo cùng về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Bị cáo Nguyễn Duy Hải và Cao Thị Minh Thuận (từ trái qua) tại buổi công bố bản án. Ảnh: Việt Dũng

Với nhóm bị cáo "Sản xuất, buôn bán hàng giả", trong đó Cao Thị Minh Thuận - Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát, bị tuyên phạt 10 năm tù; 30 bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo đến 6 năm tù.

Nguyễn Duy Hải - lao động tự do, bị tuyên 27 tháng tù tội "Môi giới hối lộ".

Theo HĐXX, bị cáo Trần Hùng - cựu Cục phó Cục Quản lý thị trường Hà Nội, cựu Tổ trưởng Tổ 304, Tổng cục Quản lý thị trường - không khai nhận hành vi, nên không được xem xét tình tiết giảm nhẹ, song bị cáo có nhân thân tốt, có thành tích trong công tác.

Các bị cáo khác được xem xét thái độ khai báo thành khẩn, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong quá trình giải quyết vụ án.

HĐXX đánh giá, hành vi của các bị cáo lợi dụng chức vụ đã xâm phạm hoạt động đúng đắn cơ quan nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của lực lượng quản lý thị trường. Hành vi của bị cáo nhận hối lộ gây mất lòng tin của người dân.

Nhóm bị cáo sản xuất, mua bán sách giáo khoa giả biết rõ hành vi của mình là vi phạm pháp luật song vẫn thực hiện. Trong số các bị cáo sản xuất, mua bán sách giả, Thuận giữ vai trò cao nhất.

Tại phiên toà, các bị cáo thành khẩn khai nhận hành vi của mình, cùng với hồ sơ, HĐXX xác định, năm 2020, Công ty Phú Hưng Phát bị Đội quản lý thị trường số 17 kiểm tra, thu hơn 27.300 quyển sách giáo khoa do không có hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc.

Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát Cao Thị Minh Thuận biết bị cáo Hùng là người trực tiếp chỉ đạo việc kiểm tra nên liên hệ đề nghị giúp đỡ để chỉ xử lý nhẹ.

Bị cáo Hùng "đồng ý tha" nhưng yêu cầu Thuận phải chỉ ra một số cơ sở in lậu. Vẫn lo sợ sẽ bị xử lý, Thuận kết nối với Nguyễn Duy Hải để được gặp trực tiếp bị cáo Hùng, ngỏ ý sẽ chi 400 triệu đồng.

Chủ toạ Mai Văn Quang công bố bản án với 36 bị cáo trong vụ sản xuất sách giáo khoa giả. Ảnh: Quang Việt

Cơ quan tố tụng cáo buộc, sau cuộc trao đổi với Hải, bị cáo Hùng đã "hướng dẫn thay đổi lời khai về nguồn gốc", chuyển thành sách do người khác mang đến ký gửi.

Tiếp nhận ý kiến của bị cáo Trần Hùng, Hải thông qua một người khác trao đổi lại với Thuận.

Nhận 300 triệu đồng của Thuận thông qua trung gian, sáng 14.7.2020, Hải cầm 300 triệu đồng đựng trong túi nilon màu đen đến phòng làm việc của ông Trần Hùng.

Tại đây, Hải gọi điện thoại cho Thuận để nói chuyện trực tiếp với bị cáo Hùng, nghe cụ thể hướng dẫn.

Do trong phòng có mấy người khác, Hải cầm túi tiền ra về. Chiều hôm sau, Hải cầm 300 triệu đồng quay lại phòng làm việc đưa cho bị cáo Hùng.

Ngoài việc hướng dẫn Thuận thay đổi lời khai về nguồn gốc số sách, bị cáo Hùng còn gọi điện thoại chỉ đạo Lê Việt Phương - Đội phó Quản lý thị trường 17, "tạo điều kiện giúp đỡ Thuận" theo hướng xử lý hành chính.

Trong những ngày thẩm vấn, tranh luận, bị cáo Trần Hùng (ngoài cùng bên phải) cho rằng bản thân bị oan, không nhận hối lộ. Ảnh: Quang Việt

Quá trình điều tra, bị cáo Hùng phủ nhận việc cáo buộc của cơ quan chức năng. Song, cơ quan công tố xác định căn cứ kết quả thực nghiệm, nội dung dữ liệu trích xuất từ điện thoại đã "đủ cơ sở chứng minh bị cáo Hùng đã nhận 300 triệu đồng" của Thuận, thông qua Hải.

Ngoài hành vi trên, Viện Kiểm sát xác định, Thuận còn nhiều lần đưa tiền cho Lê Việt Phương và Đội Quản lý thị trường 17 với tổng số tiền 330 triệu đồng sau khi sự việc ở Công ty Phú Hưng Phát chỉ bị xử phạt hành chính.

Theo cáo buộc, trong năm 2021, Thuận đã tổ chức sản xuất và thực tế đã nhập kho tổng cộng hơn 9,4 triệu quyển sách giáo khoa giả các loại của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam và các nhà xuất bản khác, với tổng trị giá sách theo bìa (hàng thật) là hơn 260 tỉ đồng.

Thuận đã tiêu thụ tổng số hơn 6,3 triệu quyển sách giả, tổng giá trị sách theo giá bìa là hơn 164 tỉ đồng, với tổng giá trị theo hoá đơn bán lẻ sau khi trừ chiết khấu là hơn 73 tỉ đồng.

Toàn cảnh buổi công bố bản án với 36 bị cáo trong vụ sản xuất, mua bán 3,2 triệu cuốn sách giáo khoa giả. Ảnh: Việt Dũng

Ngoài mức án, toà buộc các bị cáo trong đó có Thuận phải nộp lại toàn bộ số tiền thu lời bất chính để sung quỹ Nhà nước. Trong đó, Thuận phải nộp nhiều nhất hơn 8 tỉ đồng... Các bị cáo chưa thanh toán hết cho Thuận khi mua sách giả, toà cũng buộc họ phải trả, để sung quỹ Nhà nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn