MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bị cáo Phùng Anh Lê - cựu Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Hà Nội bị dẫn giải vào phòng xử tại phiên toà sơ thẩm hôm 12.8. Ảnh: V.D

Cựu trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Hà Nội Phùng Anh Lê kháng cáo kêu oan

Việt Dũng LDO | 05/09/2022 15:03
Hà Nội - Cho rằng không phạm tội, bị oan khi bị kết tội "Nhận hối lộ" thả nghi phạm, cựu trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Hà Nội Phùng Anh Lê đã kháng cáo.

Ngày 5.9, theo thông tin từ TAND Hà Nội, đơn vị đã nhận được kháng cáo của bị cáo Phùng Anh Lê - cựu đại tá, cựu Trưởng Công an quận Tây Hồ, cựu Trưởng phòng Cảnh sát kinh tế Hà Nội về tội "Nhận hối lộ".

"Chỉ riêng ông Phùng Anh Lê kháng cáo kêu oan", nguồn tin cho biết.

Theo đó, bị cáo Phùng Anh Lê kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, cho rằng bản thân không có tội và bị oan.

Trước đó, sau 3 ngày xét xử (từ 12.8-14.8), TAND Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Phùng Anh Lê (55 tuổi) 7 năm 6 tháng tù về tội "Nhận hối lộ".

Liên quan đến vụ án, ở tội danh “Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù”, toà sơ thẩm tuyên phạt Nguyễn Đức Châu (49 tuổi) - cựu Đội trưởng Cảnh sát hình sự, 10 tháng 28 ngày và trả tự do tại toà;

Vũ Công Ngọc (42 tuổi) - cựu Đội phó Đội Cảnh sát hình sự 6 tháng tù treo và Lê Đình Trung (45 tuổi) - cựu Đội phó Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp 4 tháng 12 ngày tù, ghi nhận bị cáo đã chấp hành xong hình phạt tù.

Tuyên bản án trên, toà nhận định, bị cáo Lê chịu trách nhiệm chính trong vụ án. Lẽ ra bị cáo phải gương mẫu song với động cơ mục đích không trong sáng, vụ lợi nên đã vi phạm pháp luật.

"Hành vi của bị cáo Phùng Anh Lê không oan", bản án sơ thẩm nêu.

Trong vụ án, các bị cáo Trung, Châu, Ngọc làm theo chỉ đạo của Phùng Anh Lê, tiếp nhận chỉ đạo trái pháp luật, song hành vi phạm tội giản đơn, không vụ lợi.

Ngoài tuyên mức án, toà buộc bị cáo Phùng Anh Lê phải nộp lại 110 triệu đồng để sung công quỹ nhà nước.

Theo bản án sơ thẩm, ngày 19.9.2016, anh Nguyễn Công Thành (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đến Công an phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, tố cáo một nhóm người bắt giữ anh trái pháp luật rồi hành hung.

Sau đó, Nguyễn Hữu Tài cùng một số đồng phạm ra đầu thú do liên quan đến sự việc trình báo của anh Thành. Quá trình điều tra, Công an quận Tây Hồ tạm giữ Tài 4 ngày.

Sau khi Tài bị tạm giữ, người thân của anh ta đã tìm gặp ông Phùng Văn Bảy (chú họ của bị cáo Phùng Anh Lê) để nhờ giúp đỡ. Ông Bảy đã đặt vấn đề và được Phùng Anh Lê đồng ý cho Tài ra về với điều kiện gia đình nghi phạm phải đưa cho Lê 110 triệu đồng.

Tối 22.9.2016, ông Bảy mang tiền đến phòng làm việc của cựu Trưởng Công an quận Tây Hồ và nói: "Cháu xem giúp hòa giải cho nó về". Nhận được tiền, Phùng Anh Lê chỉ đạo Nguyễn Đức Châu, Lê Đình Trung giao Tài cho Vũ Công Ngọc.

Đêm 23.9.2016, Nguyễn Hữu Tài được thả về. Hôm sau, Tài và anh Thành được gọi lên trụ sở Công an quận Tây Hồ để hòa giải. Ngày 22.1.2021, Công an thành phố Hà Nội đã rà soát và lật lại hồ sơ vụ án.

Sau khi củng cố hồ sơ, Công an thành phố Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với Nguyễn Hữu Tài và 5 bị can khác về tội "Cướp tài sản".

Cuối tháng 4.2021, TAND Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ án này và tuyên phạt Nguyễn Hữu Tài 2 năm tù về tội “Cướp tài sản”, các bị cáo còn lại từ 15 tháng tù treo đến 20 tháng tù giam.

Mở rộng điều tra, cơ quan chức năng đã xác định hành vi vi phạm pháp luật như trên của cựu đại tá Phùng Anh Lê và một số cựu cán bộ Công an quận Tây Hồ.

Tại toà và ở cơ quan điều tra, ông Phùng Anh Lê phủ nhận các cáo buộc. HĐXX cho rằng, mặc dù vụ án xảy ra từ lâu, song lời khai của các bị cáo, người liên quan, nhân chứng, có đủ căn cứ để xác định hành vi của ông Lê.

Đại diện Viện KSND Hà Nội trong phần luận tội, tranh luận cũng cho rằng, cơ quan chức năng không chỉ dựa vào lời khai duy nhất của ông Phùng Văn Bảy, điều đó là phi logic và không đúng pháp luật. Cơ quan điều tra đã sử dụng hệ thống chứng cứ pháp luật. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn