MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đà Nẵng triển khai quy định mới về phòng chống, cai nghiện ma tuý

THUỲ TRANG LDO | 30/06/2022 17:37

Ngày 30.6, UBND TP.Đà Nẵng đã tổ chức hội nghị triển khai Nghị định số 116/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật phòng, chống ma tuý, Luật xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma tuý và quản lý sau cai nghiện ma tuý.

Thông tin tại hội nghị, Đại tá Nguyễn Xuân Cường, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an TP.Đà Nẵng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2022, công an các đơn vị đã phát hiện, xử lý 1.019 trường hợp sử dụng trái phép chất ma túy (giảm 17,4% so với cùng kỳ), trong đó, xử lý hình sự các tội về ma túy 192 trường hợp; áp dụng biện pháp tập trung cai nghiện 141 trường hợp; áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường 44 trường hợp và phạt tiền, giao cho gia đình bảo lãnh, giáo dục 641 trường hợp.

Tính đến ngày 15.5.2022, trên toàn thành phố có 3.143 người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy đang trong thời hạn quản lý, trong đó có 1.255 người nghiện và 1.888 người sử dụng trái phép chất ma túy; có 8 người loạn thần do sử dụng ma túy đang được công an các địa phương tiếp tục theo dõi, quản lý của Công an thành phố.

Để tiếp tục phát huy hiệu quả công tác xử lý, quản lý người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy trong thời gian đến, Công an Đà Nẵng đề xuất cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như:

Các sở, ban, ngành cần xây dựng lộ trình để tập trung hoàn thành các mục tiêu cụ thể bắt đầu từ năm 2022 đến năm 2025 đề ra như kiềm chế tỷ lệ gia tăng số người nghiện ma túy từ cấp phường, xã đến quận, huyện, thành phố dưới 1% so với năm trước (giảm cầu); phát hiện, bắt giữ tội phạm về ma túy tăng 5% so với năm trước (giảm cung).

Công tác đấu tranh, xử lý tội phạm và tệ nạn ma túy phải được triển khai vừa có bề rộng, đảm bảo sự gắn kết, phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa các đơn vị, lực lượng trong và ngoài ngành công an, vừa phải có chiều sâu nghiệp vụ, mà trong đó lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đóng vai trò nòng cốt.

Công tác kiểm tra, xử lý người nghiện, người sử dụng trái phép phải gắn liền với thực hiện Kế hoạch chuyên đề về Phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật tại các vũ trường, quán Bar, quán Karaoke, quán Pub… trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Công an các đơn vị, địa phương thường xuyên thu thập, cập nhật thông tin, bổ sung danh sách theo diễn biến tình hình, nhất là trong giai đoạn thành phố trở lại trạng thái bình thường mới, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Công an thành phố nếu để tình hình diễn ra phức tạp mà không nắm bắt.

Đến dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến cho biết, Nghị định số 116/NĐ-CP có nhiều điểm mới, thể chế hóa Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy.

Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện nghị định tại Đà Nẵng còn nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và cơ sở hạ tầng. Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến đề nghị, sau hội nghị này, các ngành, địa phương có sự phối hợp chặt chẽ để tổ chức triển khai Nghị định số 116/NĐ-CP trên cơ sở bám sát các nguyên tắc và phù hợp tình hình thực tế. 

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội khẩn trương phối hợp các ngành tham mưu UBND thành phố thay thế Quyết định 46/2019/QĐ-UBND về quy chế phối hợp lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện ma túy; tham mưu thay thế Nghị quyết 334/2020/NQ-HĐND của HĐND thành phố và chính sách xã hội hóa đối với cơ sở cai nghiện tự nguyện.

Ngành y tế tổ chức tập huấn cho các trạm y tế xác định tình trạng nghiện ma túy; đồng thời cân nhắc nội dung đầu tư cơ sở quản lý cai nghiện, cắt cơn nghiện tại Trung tâm y tế các quận, huyện, từ đó tham mưu thành phố về hiệu quả của cách làm này. UBND các quận, huyện có kế hoạch kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các nội dung của Nghị định số 116/NĐ-CP ở địa phương nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn