MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân tới làm thẻ căn cước công dân gắn chip ở Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn.

Đã thu nhận được khoảng 16 triệu hồ sơ cấp thẻ căn cước công dân gắn chip

Việt Dũng LDO | 15/04/2021 15:13
Trong số các tỉnh, thành cấp căn cước công dân gắn chip điện tử, Hà Nội vẫn là đơn vị dẫn đầu với khoảng 2,5 triệu hồ sơ được thu nhận.

Đề án cấp khoảng 50 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử cho người dân từ đủ 14 tuổi trở lên hoàn thành đến ngày 1.7.2021, được Bộ Công an thực hiện trên toàn quốc.

Theo thông tin từ Bộ Công an, tính đến nay, công an 63 tỉnh, thành đã thu thập được hơn 15 triệu hồ sơ căn cước công dân gắn chip. Trong đó, Hà Nội là đơn vị dẫn đầu, khoảng 2,5 triệu hồ sơ.

Về con số trả căn cước công dân gắn chip điện tử cho người dân, hiện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội chưa có rà soát.

Liên quan đến việc nhận hồ sơ căn cước công dân, đại tá Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an Hà Nội cho biết, đến nay, Hà Nội đã thu nhận khoảng 2,5 triệu hồ sơ cấp thẻ căn cước công dân gắn chip cho người dân.

Đại tá Ky cho Lao Động biết, các đơn vị đã trả khoảng 123.000 thẻ căn cước công dân gắn chip cho người dân.

Trong số đó, quận Hà Đông là đơn vị trả thẻ căn cước công dân gắn chip nhiều nhất với hơn 9.000 trường hợp; tiếp đến là quận Hai Bà Trưng với hơn 6.000 trường hợp, quận Hoàn Kiếm hơn 4.000 trường hợp...

Đại tá Ky thông tin thêm, để hoàn thành chỉ tiêu cấp 6,5 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip, các đơn vị đang làm hết công suất.

"Hiện hệ thống máy móc in thẻ đang hoạt động khá tốt nên thời gian tới sẽ trả thẻ căn cước công dân gắn chip nhiều hơn", đại tá Ky thông tin.

Trong tháng 3, công an các đơn vị, địa phương cả nước đã tập trung lực lượng, triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp, biện pháp nhằm thu nhận hồ sơ căn cước công dân.

Công an các đơn vị cũng đang làm sạch dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với chất lượng cao nhất, tiến độ nhanh nhất theo đúng phương châm “đúng, đủ, sạch, sống” và “vừa chạy, vừa xếp hàng, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm”.

Tính đến nay, một số địa phương đã thực hiện tốt, vượt chỉ tiêu như Thanh Hóa, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Đắk Nông, Bình Phước, Bắc Kạn…

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, khi nhiều tỉnh có địa bàn, thị trấn vùng biên giới, vùng sâu, xa không có sóng điện thoại, ảnh hưởng đến việc trao đổi, xác minh, truy cập vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Một số bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số không hiểu tiếng phổ thông, gây khó khăn cho việc thực hiện các thủ tục cấp căn cước công dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn