MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vụ án "chuyến bay giải cứu" được đưa ra xét xử hồi tháng 7.2023. Ảnh: H.Phương

Đã xét xử hàng loạt vụ án kinh tế, tham nhũng gây thiệt hại đặc biệt lớn

Cường Ngô - Trần Vương LDO | 21/11/2023 09:52

Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, trong năm 2023 đã tổ chức xét xử nghiêm nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng gây ra thiệt hại đặc biệt lớn, được dư luận xã hội rất quan tâm như vụ án vi phạm đấu thầu tại Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai, vụ án xảy ra tại Cục lãnh sự - Bộ Ngoại giao.

Báo cáo về công tác của các tòa án tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV sáng 21.11, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, trong năm 2023, việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội. Chất lượng tranh tụng được bảo đảm.

Các vụ án thuộc diện Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo được các tòa án tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, theo tinh thần không có vùng cấm và không có ngoại lệ.

Đã tổ chức xét xử nghiêm nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng gây ra thiệt hại đặc biệt lớn, được dư luận xã hội rất quan tâm như vụ án vi phạm đấu thầu tại Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện đa khoa tỉnh Đồng Nai, vụ án xảy ra tại Cục lãnh sự - Bộ Ngoại giao.

Các tòa án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước; đã tuyên thu hồi tiền và tài sản trong nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng.

Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ảnh: Media Quốc hội

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, về các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động, các tòa án đã giải quyết, xét xử được 87,04% số vụ việc thụ lý, vượt 9,04% so với chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội giao (trên 78%).

Tỉ lệ các bản án, quyết định hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan đáp ứng yêu cầu Nghị quyết Quốc hội đề ra. Tập trung thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải; hạn chế đến mức thấp nhất việc để án quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật; nâng cao chất lượng công tác tương trợ tư pháp.

Về các vụ án hành chính, các tòa án đã giải quyết, xét xử 75,07% vụ thụ lý, đạt tỉ lệ vượt 15,07% so với chỉ tiêu Nghị quyết Quốc hội giao (trên 60%). Các tòa án chú trọng tổ chức đối thoại giữa các bên; tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan liên quan trong quá trình giải quyết vụ án; tổ chức 1.034 phiên tòa xét xử trực tuyến góp phần hạn chế việc phải hoãn phiên tòa nhiều lần, giảm bức xúc cho người khởi kiện.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã công bố 14 án lệ, nâng tổng số án lệ được thông qua lên 70 án lệ. Cho đến nay, đã có 1.617 bản án, quyết định của các tòa án viện dẫn, áp dụng án lệ. Như vậy, kỹ năng áp dụng án lệ trong xét xử đã dần phổ biến và nâng cao.

Bên cạnh các kết quả tích cực, hoạt động của các tòa án trong năm qua còn tồn tại một số hạn chế, thiếu sót như tỉ lệ các bản án, quyết định giải quyết các vụ án hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan còn cao...

Để khắc phục những hạn chế, thiếu sót và nâng cao hiệu quả hoạt động, theo ông Nguyễn Hoà Bình, các giải pháp cần tập trung chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới như chỉ đạo các tòa án tiếp tục thực hiện tốt 17 giải pháp đột phá nhằm đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc và các mặt công tác khác;

Tiếp tục đổi mới phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành; tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh chính trị cho cán bộ, công chức.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn