MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đại gia thủy sản chiếm đoạt hơn 325 tỉ đồng của ngân hàng

Việt Dũng LDO | 10/07/2020 14:37
Lê Tùng Huy và vợ lập nhiều công ty, lập hồ sơ khống để vay tiền của Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam - Vietcombank (VCB) chi nhánh Tây Đô, rồi chiếm đoạt hơn 325 tỉ đồng.

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố Lê Tùng Huy (cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên, kiêm Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Trường Nguyên), Nguyễn Thị Tuyết Trung (vợ của Huy) tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đỗ Bảo Phương Quế, nguyên cán bộ VCB Chi nhánh Tây Đô tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng".

Theo tài liệu, năm 2007, do có nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh, Huy cùng vợ thành lập Công ty TNHH Thủy sản Trường Nguyên (Công ty Trường Nguyên). Cùng năm, cả hai còn thành lập Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Bảo Nguyên (Công ty Bảo Nguyên) do Nguyễn Thị Tuyết Nga (em gái của Trinh) đứng tên Giám đốc, đại diện pháp luật.

Năm 2009, hai vợ chồng tiếp tục thành lập Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Hải Long (Công ty Hải Long) do Nguyễn Viết Thanh (anh trai của Trinh) đứng tên Giám đốc, đại diện pháp luật.

Đến năm 2011, do Công ty Vĩnh Nguyên, Trường Nguyên, Bảo Nguyên và Hải Long làm ăn thua lỗ, không có tiền trả nợ gốc và lãi đến hạn cho ngân hàng, Huy đã đặt vấn đề xin Nguyễn Minh Chuyển (Giám đốc VCB Tây Đô) cho khoanh nợ, giãn nợ, bán tài sản đảm bảo để trả nợ nhưng Chuyển không đồng ý. 

Để giải quyết việc này, Chuyển đề nghị Huy chuyển Công ty Vĩnh Nguyên cho Nguyễn Hùng Cường (chủ nhóm khách hàng Nam Sông Hậu, em trai Chuyển) quản lý, điều hành giải quyết nợ cho ngân hàng và đề nghị lập thêm doanh nghiệp mới. Khi đó, ngân hàng sẽ tạo điều kiện cho các công ty mới thành lập vay vốn để trả nợ gốc và lãi tới kỳ thanh toán của 3 Công ty (Trường Nguyên, Bảo Nguyên, Hải Long).

Với gợi ý trên, vợ chồng Huy đã nhờ người thân đứng tên thành lập thêm 3 công ty. Sau đó, cả hai lập "khống": Hồ sơ năng lực doanh nghiệp, kế hoạch sản xuất kinh doanh... để được giải ngân, trả nợ vay đến hạn (đáo nợ) cho 3 công ty trên.

Sau khi được giải ngân, Huy và vợ đã chỉ đạo nhân viên lập khống các chứng từ để rút hơn 402 tỉ đồng thanh toán các khoản nợ quá hạn, chỉ dùng hơn 18 tỉ đồng phục vụ cho mục đích sản xuất kinh doanh. 

Đến tháng 12.2014, 6 công ty trong nhóm khách hàng Trường Nguyên có 8 hợp đồng tín dụng theo hạn mức nợ quá hạn, mất khả năng thanh toán, gây thiệt hại cho Ngân hàng chi nhánh Tây Đô số tiền hơn 325 tỉ đồng.

Khi vay vốn, vợ chồng Huy đã thế chấp tài sản trị giá hơn 126 tỉ đồng nên xác định các bị can này đã chiếm đoạt số tiền 276 tỉ đồng của ngân hàng. Đến nay, VCB Tây Đô đã thanh lý tài sản thế chấp thu được hơn 72,8 tỉ đồng, nên thiệt hại số tiền hơn 325 tỉ đồng.

Trong vụ án, Quế được xác định chỉ dựa vào hồ sơ khách hàng cấp, không kiểm tra thực tế. Sau khi giải ngân, bị can không kiểm tra, giám sát vốn vay mà dựa trên số liệu khách hàng cung cấp, đồng thời còn ký khống vào biên bản kiểm tra đơn vị để hoàn thiện hồ sơ tín dụng.

Ngoài bị can Quế, liên quan đến sai phạm về hoạt động ngân hàng, cơ quan điều tra xác định còn có cựu Giám đốc VCB Tây Đô Nguyễn Minh Chuyển; Trần Anh Huy (cựu Trưởng phòng Khách hàng VCB Tây Đô); Trần Ngọc Thu (Phó Giám đốc VCB Tây Đô)...

Nguyễn Minh Chuyển đang bị xử lý ở một vụ án khác liên quan đến thất thoát số tiền trên của VCB Tây Đô.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn