MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đắk Lắk: Phá hoại nông sản do "ghen ăn tức ở"?

H.L LDO | 11/08/2019 13:00

Công an xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk mới đây cho biết, đang điều tra và truy tìm đối tượng chặt phá hơn 200 gốc tiêu trong vườn gia đình ông Phan Văn Bích (trú TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk).

Trước đó, ông Phan Văn Bích đã làm đơn trình báo lên công an xã Ea Nuôl huyện Buôn Đôn, về việc vườn tiêu của gia đình bị kẻ xấu đột nhập chặt phá hơn 200 gốc tiêu đang trong thời kỳ kinh doanh. Vụ phá hoại nông sản đã gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng đồng thời, gây lo lắng cho những gia đình trồng tiêu trong vùng lân cận. 

Theo lời kể của ông Bích cho biết, gia đình ông trước đây có mua 2,5 ha đất để trồng cây công nghiệp từ năm 2014 đến nay. Trên diện tích này, ông trồng cà phê xen hồ tiêu và cây ăn trái. 

Việc phá hoại nông sản khiến người trồng lo lắng. Ảnh: LX 

Ngày 25.7 vừa qua, hai vợ chồng đi Gia Lai nên ở nhà, kẻ lạ đột nhập vào rẫy để phá hoại nông sản của gia đình ông. Mãi đến ngày 29.7, về nhà thì ông Bích mới phát hiện ra sự việc.

Ông Bích cho biết, thời gian qua gia đình cũng có một số xích mích nhỏ với người xung quanh, nhưng không nghiêm trọng.

Nhiều năm qua, chuyện phá hoại nông sản vẫn xảy ra ở các tỉnh Tây Nguyên.

Sự việc tượng tự cũng xảy ra với gia đình  ông Lê Quang Trường (SN 1974, trú thôn Phước Hòa, xã Ea Yông, huyện Krông Pắk - Đắk Lắk). Trước đó, sau khi ông Trường phun thuốc tăng trưởng cho 88 cây sầu riêng trong vườn thì ít ngày sau, ông phát hiện vườn sầu riêng đang ra trái đột nhiên bị rụng. Đây là sự việc bất thường, đặc biệt xảy ra khi sầu riêng sắp được nhiều thương lái thu mua trước đó. 

"Lúc đầu, tôi cứ nghĩ sầu riêng do gặp gió trái mùa nên rụng quả. Tuy nhiên, mỗi ngày sầu riêng trong vườn rụng càng nhiều khiến tôi hoang mang. Tôi nghi ngờ, có thể trong quá trình phun thuốc kẻ gian đã bỏ chất độc làm sầu riêng rụng trái" -  ông Trường kể lại và khẳng định, từ trước đến giờ, gia đình không xảy ra mâu thuẫn với ai.

Theo ông Nguyễn Huy Hoàng – Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Krông Pắk, tình trạng phá hoại nông sản của người dân trên địa bàn có thể do việc “ghen ăn tức ở”. Việc này không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho ngành nông nghiệp và còn rạn nứt tình cảm của người dân.

Ông Hoàng cho biết, đối với những trường hợp phá hoại nông sản, thường thì người dân sẽ báo sự việc cho cơ quan công an. Về phần mình, ngành nông nghiệp cũng hỗ trợ người dân kiểm tra, lấy mẫu…  “Việc xử lý chuyện phá hoại nông sản rất khó vì các sự việc xảy ra nhỏ lẻ” – ông Hoàng nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn