MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lực lượng Quản lý thị trường và CSGT tỉnh Đắk Lắk xử lý các lô hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: B.T

Đắk Lắk vào cuộc đấu tranh chống hàng giả, kiểm soát thị trường

BẢO TRUNG LDO | 02/06/2021 08:36

Trước tình hình dịch COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp, nhiều cơ sở kinh doanh ở tỉnh Đắk Lắk đã bất chấp an toàn sức khoẻ của người dân "tuồn" hàng hoá kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ ra thị trường nhằm trục lợi bất chính. Cơ quan chức năng ở địa phương này thời gian qua đã phải liên tục xử lý hàng loạt đơn vị vi phạm, xử lý mạnh tay để ổn định thị trường...

Xử lý hàng loạt vụ vi phạm

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp, tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận đến 4 trường hợp nhiễm bệnh. Người dân địa phương vì lẽ đó rất lo ngại giá cả nhiều mặt hàng hóa sẽ leo thang, nhất là đối với các vật dụng thiết yếu.

Ngoài ra, chất lượng các mặt hàng (thực phẩm, áo quần, đồ điện tử...) lưu thông trôi nổi trên thị trường không xuất xứ, nguồn gốc, nhãn mác vẫn có lúc xảy ra.

Từ cuối năm 2020 đến đầu tháng 6.2021, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk đã kiểm tra gần 600 cơ sở kinh doanh và xử lý hơn 400 đơn vị có hành vi vi phạm pháp luật. Tổng số tiền thu được qua xử lý là hơn 2,1 tỉ đồng.

Ngoài ra, phía Đoàn kiểm tra liên ngành thường trực Ban chỉ đạo 389 tỉnh Đắk Lắk qua rà soát còn phát hiện hơn chục doanh nghiệp sai phạm trong việc bán hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng hay không có giấy phép đăng ký kinh doanh.

Mới đây, Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk vừa tổ chức kiểm tra đột xuất đối với cơ sở kinh doanh của ông Nguyễn Thành Minh (phường Thành Công, TP.Buôn Ma Thuột). Đoàn kiểm tra phát hiện tại cửa hàng đang bày bán hơn 720 bộ quần áo các loại không có nhãn hàng hóa, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp và nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Ngoài ra, kết quả kiểm tra cho thấy ông Minh chưa thực hiện đăng ký thành lập hộ kinh doanh theo quy định.

Ông Lưu Văn Khôi - Giám đốc Sở Công thương Đắk Lắk - bày tỏ: "Trong mùa dịch COVID-19, đơn vị đã có kế hoạch bình ổn thị trường hàng hoá, giá cả. Về mặt quản lý nhà nước, chúng tôi sẽ có phương án theo dõi, nắm bắt tình hình biến động của thị trường để có những phương án xử lý cụ thể. Ngoài ra, đơn vị cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý thị trường theo dõi những doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng thiết yếu kiên quyết xử lý nghiêm đối với các nhóm hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá, bán với giá cao…".

Thành lập tổ công tác "đặc biệt"

Nhận thấy tính tất yếu trong việc phải xây dựng được đội ngũ chuyên trách thực thi khai thác thông tin để phối hợp với lực lượng chức năng đấu tranh, xử lý có hiệu quả những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử, Cục quản lý Thị trường tỉnh Đắk Lắk đã chủ động thành lập Tổ công tác Thương mại điện tử - Truyền thông. Ngay lập tức, tổ công tác "đặc biệt" này đã phát huy được hiệu quả.

Tính từ đầu năm đến nay, cơ quan trên đã xử lý đến hơn 40 vụ vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại điện tử như kinh doanh hàng hoá nhập lậu, kinh doanh hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ, không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hay hoạt động kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh mà không có Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định...Tổng số tiền thu được qua xử lý lên đến hơn 450 triệu đồng.

Ông Mai Mạnh Toàn - Cục Trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk - cho hay: Thương mại điện tử phát triển mang lại nhiều lợi ích giúp phát triển kinh tế, người tiêu dùng mua sắm tiện lợi với giá cả phải chăng và doanh nghiệp đa dạng hoá kênh phân phối, tiếp cận thị trường. Tuy nhiên, môi trường này luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tiêu dùng. Những thông tin hàng hoá dùng để giao dịch là những ký tự, hình ảnh không rõ ràng trong khi khách hàng không được trải nghiệm thực tế với sản phẩm mình mua. Đây là "mảnh đất" màu mỡ cho các đối tượng xấu trục lợi, thực hiện các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng nhái, mạo danh nhãn hiệu nổi tiếng...

"Trong mùa dịch COVID-19, việc kinh doanh, mua bán thông thường vốn gặp nhiều khó khăn đã tạo điều kiện cho nhiều đối tượng dùng nền tảng thương mại điện tử ở tỉnh Đắk Lắk bán rất nhiều mặt hàng kém chất lượng như thiết bị điện, quần áo hay mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đắk Lắk là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước triển khai tổ công tác này. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục kiện toàn lại tổ công tác 1169, đưa những cán bộ trẻ có chuyên môn nghiệp vụ, trình độ công nghệ thông tin tốt vào làm việc nhằm nâng cao chất lượng, đấu tranh không để các mặt hàng kém chất lượng (bao gồm các vật dụng thiết yếu) đến tay người tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp", ông Toàn nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn