MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân thường có thú vui đánh bài giải trí vào dịp Tết. Ảnh minh hoạ: Hữu Chánh

Đánh bài giải trí dịp Tết có vi phạm pháp luật?

HỮU CHÁNH LDO | 08/02/2024 18:00

Dịp Tết, nhiều người có thú vui đánh bài giải trí, việc này có vi phạm pháp luật?

Trao đổi với Lao Động, Luật sư Quách Thành Lực - Đoàn Luật sư TP Hà Nội - cho biết, dịp Tết Nguyên đán, người dân thường rủ nhau chơi đánh bài, tổ tôm, ai thua thì khao ăn, khao uống hoặc chung tiền.

Tuy nhiên, từ chỗ "vui là chính", đánh bài quá đà dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc, thậm chí vi phạm pháp luật.

Bạn đọc thắc mắc, dịp Tết, nhiều gia đình thường tụ tập người thân, bạn bè đánh bài giải trí, ăn thua 5.000 - 10.000 đồng, như vậy có vi phạm pháp luật không?

Theo Luật sư Lực, nếu cùng bạn bè, người thân chơi bài chỉ với mục đích giải trí, sẽ không vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên, nếu chơi bài có cá cược; có mục đích ăn tiền và có dấu hiệu của hành vi đánh bạc trái phép thì có thể bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy mức độ nghiêm trọng của hành vi.

Theo Luật sư Quách Thành Lực, Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, chơi bài giải trí ăn thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng trở xuống sẽ bị xử lý hành chính.

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như: xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, đá gà, tài xỉu... hoặc các hình thức khác với mục đích được, thua bằng tiền, tài sản, hiện vật (Điểm a Khoản 2 Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).

Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi: nhận gửi tiền; cầm đồ; cho vay tại nơi đánh bạc; giúp sức, che giấu việc đánh bạc trái phép (Điểm a, c Khoản 3 Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi: rủ rê, lôi kéo, tụ tập người khác để đánh bạc trái phép; dùng nhà, chỗ ở của mình hoặc phương tiện, địa điểm khác để chứa bạc (Điểm a, b Khoản 4 Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).

Ngoài ra, chủ thể vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung như: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; tịch thu tiền đánh bạc trái phép mà có (Khoản 6 Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP).

Mặt khác, nếu đánh bài giải trí hội đủ các yếu tố cấu thành tội phạm đối với tội Đánh bạc thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 321 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, người đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào mà thắng thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng; hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp như có tính chất chuyên nghiệp; tiền hoặc hiện vật có trị giá 50.000.000 đồng trở lên... có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù cao nhất là 3-7 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

"Đánh bạc dù chơi nhỏ hay lớn, dù online hay trực tiếp đều là hành vi vi phạm pháp luật" - Luật sư Lực nói và cho biết, đây là một tệ nạn xã hội, làm xói mòn nhân phẩm và đạo đức của con người, gây ra những hệ lụy tiêu cực cho xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn