MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cựu chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Trần Văn Minh.

Đất nghìn tỉ được Đà Nẵng bán cho Phan Văn Anh Vũ với giá “bèo”

Việt Dũng LDO | 04/01/2020 19:51
29ha đất ở Khu Đô thị mới Quốc tế Đa Phước có giá hơn 4.700 tỉ đồng, song theo chủ trương của Đà Nẵng giao cho Phan Văn Anh Vũ chỉ 87 tỉ đồng.

Dự án trên được Hội đồng xét xử thẩm vấn và đề cập nhiều nhất trong suốt 3 ngày xử vừa qua tại TAND Hà Nội. Bởi trong tổng số hơn 22.000 tỉ đồng Nhà nước bị thiệt hại từ việc thâu tóm nhà đất công sản của Phan Văn Anh Vũ (Vũ “Nhôm”), dự án 29ha này được xác định thiệt hại hơn 11.200 tỉ đồng.

Chiều nay, 4.1, trong phần thẩm vấn, Viện Kiểm sát (VKS) Nhân dân Hà Nội đã truy xét sai phạm của hai cựu chủ tịch Đà Nẵng gồm Văn Hữu Chiến và Trần Văn Minh về dự án trên.

Đà Nẵng ưu ái giao đất cho Phan Văn Anh Vũ

Tại tòa, giải thích lý do ký quyết định 5870 thu hồi, giao toàn bộ 29ha đất này cho Công ty CP Xây dựng 79 của Vũ, bị cáo Chiến cho hay dựa vào thỏa thuận nguyên tắc giữa Đà Nẵng ký với Công ty Daewon (Hàn Quốc) trước đó.

Công ty Daewon cũng yêu cầu giao đất cho Công ty Xây dựng 79, báo cáo của Sở Tài nguyên môi trường, hai quy hoạch chi tiết, sơ đồ ranh giới, ý kiến chỉ đạo của chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Trần Văn Minh....

"Việc áp đơn giá năm 2006 cho đất giao năm 2011, có đúng quy định không?". Bị cáo Chiến cho hay, thời điểm đó, thị trường bất động sản Đà Nẵng “đóng băng”. Đất 29 ha lại là đất mặt nước. 

Hơn nữa, theo thoả thuận nguyên tắc chính là hợp đồng, chưa bên nào huỷ hợp đồng từ sau năm 2006. Vì thế, bị cáo ký quyết định thu hồi đất, giao đất theo phân công.

"Tại thời điểm ký quyết định giao đất, bị cáo nghĩ gì khi giá trị đất lúc đó hơn 4.700 tỉ đồng mà chỉ thu hơn 87 tỉ đồng với giá 300.000 đồng/m2?". Bị cáo Chiến lý giải quyết định giao đất đã có từ năm 2006 và đó là thỏa thuận nguyên tắc.

Song VKS cho hay, thỏa thuận nguyên tắc đó không phải là cơ sở pháp lý để giao đất. VKS nêu: Giả sử khi đó có đủ cơ sở cho thấy quyết định 5870 gây thiệt hại cho nhà nước, bị cáo thấy có trách nhiệm gì không?. Bị cáo Chiến tiếp tục nêu làm "theo chủ trương của chủ tịch".

Ngay lập tức VKS truy vấn: "Nếu chủ tịch sai, bị cáo có sai không?, "Chủ tịch sai thì còn có hai cơ quan tham mưu", bị cáo Chiến nói.

Đà Nẵng tự xây cơ chế riêng?

Cũng liên quan đến Dự án 29ha trên, trình bày trước tòa, cựu chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Trần Văn Minh cho hay, năm 2011 UBND thành phố có quyết định thu hồi đất giao cho Công ty xây dựng 79. Lúc này thu 29 ha vẫn còn là đất mặt nước, điều này thể hiện qua bản đồ vệ tinh được ghi lại năm 2011.

"Đất ở đây là đất mặt nước, trong quyết định nói lô đất này lô đất kia là trên giấy tờ, quy hoạch thôi còn không có đất. Đất đó là ông Vũ đổ làm kè, cơ sở hạ tầng còn nhà nước chỉ có mặt nước thôi. Đó là đất ô nhiễm, mặt nước chúng tôi thu tiền mà quy chúng tôi gây thất thoát", ông Minh giải thích. 

VKS nhắc đến công văn số 3531, nội dung quy định cho phép chuyển đổi tên nhà đất khi đã thực hiện đầy đủ nhiệm vụ tài chính. Trong khi đó, theo quy định muốn chuyển đổi phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính và phải được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên trong một số dự án, UBND TP Đà Nẵng vẫn đồng ý cho chuyển đổi sang tên Phan Văn Anh Vũ khi chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 

"Các bị cáo xây dựng cơ chế cho riêng Đà Nẵng nhưng lại là cơ chế trái pháp luật, nhưng ngay cả cơ chế đó các bị cáo cũng thực hiện không đầy đủ". 

Ngày mai 5.1, tòa tiếp tục làm việc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn