MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nguyễn Xuân Tân bị tình nghi bạo hành cháu ruột dẫn đến nạn nhân tử vong. Ảnh: Cơ quan công an

Dấu hiệu giết người trong vụ cậu bạo hành cháu 13 tuổi ở Hạ Long

Việt Dũng LDO | 11/06/2023 17:01

Hai chuyên gia luật cho rằng, ngoài điều tra về hành vi giữ người trái pháp luật với Tân, cơ quan công an cần làm rõ hành vi bạo hành của anh ta liên quan ra sao tới bé trai 13 tuổi tử vong.

Tối 4.6, Công an thành phố Hạ Long nhận thông tin từ Bệnh viện Bãi Cháy về việc bệnh nhân nhi 13 tuổi được đưa đến cấp cứu trong tình trạng "ngừng tuần hoàn ngoại viện chưa rõ nguyên nhân, hai bàn tay bầm tím".

22h cùng ngày, cháu bé đã tử vong.

Ngày 10.6, Công an thành phố Hạ Long đã tạm giữ hình sự để điều tra hành vi giữ người trái pháp luật đối với Nguyễn Xuân Tân. 

Theo cơ quan chức năng, Tân nghi cháu ruột lấy trộm điện thoại, nên dùng cành cây đánh vào chân và không cho cháu ăn uống. Việc bạo hành này làm bé trai tử vong.

Theo dõi diễn biến vụ việc trên, luật sư, Tiến sĩ Đặng Văn Cường - Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư Hà Nội cho hay, việc tạm giữ Tân về hành vi giữ người trái pháp luật là có căn cứ.

Song, cơ quan điều tra sẽ tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, lấy lời khai của người làm chứng, nghi phạm để xác định nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi của người đàn ông này.

Đặc biệt là xác định nguyên nhân cháu bé tử vong để làm căn cứ giải quyết theo quy định của pháp luật. Trường hợp có căn cứ cho thấy người này đã sát hại cháu bé, nguyên nhân cháu bé chết là do hành vi đánh đập thì cơ quan điều tra sẽ khởi tố về hành vi "Giết người" theo điều 123 Bộ luật Hình sự.

Luật sư Nguyễn Văn Đồng - Văn phòng Luật sư Nhân Chính đồng tình quan điểm và phân tích: Khi thực hiện hành vi đánh đập, hành hạ nạn nhân, có thể anh ta không mong muốn hậu quả chết người xảy ra. Tuy nhiên, đối tượng đã bỏ mặc dẫn tới hậu quả chết người. Việc trói tay nạn nhân còn nhỏ suốt nhiều giờ, cùng với hành vi đánh đập, bỏ đói..., đối tượng buộc phải nhận thức được vấn đề này.

"Nên nếu khởi tố đối tượng về hành vi giết người là hoàn toàn có cơ sở", ông Đồng nhấn mạnh. Nếu bị khởi tố ở tội danh này, đối tượng sẽ phải đối mặt với hàng loạt tình tiết định khung tăng nặng như giết người dưới 16 tuổi, hành vi có tính chất côn đồ, mức án lên tới chung thân, tử hình.

Ở một khía cạnh khác, luật sư Đặng Văn Cường phân tích thêm, trường hợp cơ quan điều tra không chứng minh được lỗi cố ý nhưng có căn cứ cho thấy hành vi của anh ta gián tiếp dẫn đến cháu bé tử vong, nghi phạm có thể bị xử lý về tội "Vô ý làm chết người", có khung phạt đến 10 năm tù.

Đối với hành vi giữ người trái pháp luật thì người đàn ông này cũng sẽ bị xử lý hình sự về hành vi "Giữ người trái pháp luật" theo quy định tại khoản 2, Điều 157 Bộ luật Hình sự. Việc phạm tội với trẻ em, người thực hiện hành vi sẽ phải đối mặt với hình phạt từ 2-7 năm.

Với thông tin ban đầu, hành vi của nghi phạm có dấu hiệu xâm phạm đến nhiều khách thể mà pháp luật hình sự bảo vệ. Trong đó có quyền tự do thân thể, tự do đi lại, tự do cư trú của công dân và xâm phạm đến tính mạng của công dân (là trẻ em).

Vì vậy, theo luật sư Cường, cơ quan điều tra sẽ làm rõ tính chất nguy hiểm của hành vi; xác định nhận thức của người đàn ông này, đánh giá hậu quả đã gây ra với nạn nhân và xã hội để xem xét xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh trách nhiệm hình sự, theo luật sư Đồng, đối tượng còn phải thực hiện trách nhiệm bồi thường dân sự cho gia đình nạn nhân theo quy định tại Điều 591 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Cụ thể, khoản bồi thường bao gồm phí hợp lý cho việc mai táng, tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng, thiệt hại khác do luật quy định.

Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá 100 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn