MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chiếc xe do tài xế điều khiển đổ nghiêng sau khi tông chết thiếu tá CSGT và 2 người đi đường. Ảnh: An Long

Dấu hiệu giết người vụ tài xế tông thiếu tá CSGT và 2 công nhân tử vong

Việt Dũng LDO | 22/04/2023 11:44
Chuyên gia luật cho rằng, hành vi lao ôtô vào thiếu tá Cảnh sát giao thông và 2 công nhân của tài xế ở Long An, khiến 3 người tử vong có dấu hiệu tội Giết người với nhiều tình tiết định khung.

Theo dõi vụ việc tài xế lái ôtô mang biển kiểm soát 49C-29.601 tông chết 3 người, trong đó có một thiếu tá Cảnh sát giao thông, ở huyện Đức Hoà, tỉnh Long An xảy ra chiều 21.4, luật sư Hà Thị Khuyên - Trưởng Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, hậu quả này gây bàng hoàng dư luận. Luật sư cho rằng cần kịch liệt lên án hành vi của người điều khiển phương tiện.

Dư luận cho rằng có thể chiếc xe nêu trên chở hàng cấm nên mới cố tình không chấp hành hiệu lệnh của lực lượng chức năng. Tuy nhiên, động cơ và mục đích của tài xế sẽ được cơ quan điều tra làm rõ.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Khuyên nhìn nhận, việc không chấp hành hiệu lệnh dừng xe và cố tình dùng phương tiện ôtô là “nguồn nguy hiểm cao độ” để đâm vào nhiều người đứng phía trước đầu xe như đoạn video chia sẻ có dấu hiệu của hành vi "Giết người".

Trong sự việc này cơ quan điều tra sẽ khám nghiệm hiện trường để xem xét các dấu vết để lại, khám xét phương tiện mà lái xe dùng để đâm thẳng vào các nạn nhân, khám nghiệm tử thi; trích xuất camera, thu thập lời khai của người chứng kiến…

Đồng thời, làm rõ nhận thức, ý thức chủ quan và hành vi khách quan của tài xế… xem xét những thiệt hại, hậu quả xảy ra để có căn cứ xử lý vụ việc theo quy định pháp luật.

Theo quy định pháp luật, nếu hành vi cố ý sử dụng phương tiện giao thông để đâm vào người khác mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả chết người xảy ra thì đây là hành vi giết người. Nếu hành vi không có mục đích giết người, không nhận thức được hành vi của mình có thể dẫn đến hậu quả chết người thì tài xế sẽ bị xử lý hình sự về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ".

Nếu trong trường hợp này người thực hiện hành vi (tài xế) cố ý đối với hậu quả vụ tai nạn giao thông: Nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi, mong muốn hoặc bỏ mặc hậu quả xảy ra thì hành vi này là giết người chứ không còn là hành vi vi phạm về tham gia giao thông đường bộ.

Trong trường hợp hành vi của tài xế được xác định là hành vi giết người thì tài xế này sẽ bị khởi tố về Tội giết người được quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015, khung hình phạt cao nhất tài xế có thể phải đối mặt từ 12-20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.

Hậu quả khiến 3 người tử vong, nên tài xế này có thể sẽ phải đối diện với nhiều tình tiết định khung tăng nặng như: Giết 2 người trở lên, giết người đang thi hành công vụ, bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người.

Vì vậy, khung hình phạt dành cho tài xế này sẽ hết sức nghiêm khắc nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Giết người".

Ngoài ra, người thực hiện hành vi còn phải thực hiện trách nhiệm bồi thường cho gia đình các nạn nhân, chi phí bồi thường được quy định tại Điều 591 Bộ luật Dân sự năm 2015, thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật dân sự.

Chi phí hợp lý cho việc mai táng, tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng, thiệt hại khác do luật quy định.

Người phạm tội phải chịu trách nhiệm bồi thường tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại. Mức bồi thường do các bên thoả thuận;

Nếu không thoả thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Trong khi đó, một lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công an cho biết, hành vi của tài xế trên có dấu hiệu "Giết người", không phải là vụ án tai nạn giao thông.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn