MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình. Ảnh: Quochoi.vn

ĐBQH Nguyễn Văn Chiến: Nhiều bị cáo có đủ điều kiện hưởng án treo nhưng vẫn bị tù giam?

Nguyên - Hùng - Trung LDO | 31/10/2018 19:05
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội), trong thực tiễn xét xử, thời gian qua có rất nhiều án trong đó bị cáo đủ điều kiện để cho hưởng án treo nhưng mà toà án các cấp vẫn quyết định phạt tù giam.

Chiều 31.10, tiếp tục chất vấn Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình, đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) nêu, việc quyết định án treo trong các vụ án hình sự là một chế định rất nhân văn đã được Hội đồng Thẩm phán (HĐTP) TAND tối cao ban hành.

Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử thời gian qua có rất nhiều án trong đó bị cáo đủ điều kiện để cho hưởng án treo nhưng mà toà án các cấp vẫn quyết định phạt tù giam.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Chiến, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình khẳng định, về chế định án treo được quy định trong luật và được xem như chế định nhân đạo khi chúng ta ứng xử với những người phạm tội.

"Theo chủ trương của Đảng được ghi trong Nghị quyết 49 thì chúng ta phải giảm hình phạt tù, tăng hình phạt không giam giữ", ông Bình nói.

Ông Bình cũng cho biết, trên thực tế đối với các nước, các hình phạt không giam giữ thông thường chiếm khoảng 60%, còn chúng ta án treo trong nhiều năm dưới 20% (khoảng 18-19%) nhưng năm 2018 là 23%, có tăng hơn một chút.

"Tại sao lại có việc này, khi chia sẻ với các kiểm sát viên khi đề nghị truy tố hay các thẩm phán khi tuyên án treo thì thấy, xã hội hay đặt ra câu chuyện có tiêu cực trong này hay không?

Cho nên, trong một số trường hợp có thể đủ điều kiện để hưởng án treo nhưng các công tố viên cũng như thẩm phán để đảm bảo an toàn thì thường không áp dụng", ông Bình nói.

Theo Chánh án Nguyễn Hoà Bình, đây là một hạn chế, mặc dù về mặt chủ trương đã có.

"Trước tình hình này, HĐTP đã có Nghị quyết 02/2018 thay cho Nghị quyết 01/2013, khắc phục những hạn chế về quy định án treo quá khắt khe.

Ngành cũng đã có tập huấn, hướng dẫn đối với những vụ án mà người phạm tội lấy đồng tiền làm phương tiện mục đích phạm tội, ví dụ như: Đánh bạc, lừa đảo, lợi dụng tín nhiệm… thì hình phạt kinh tế, phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ là hình phạt chính chứ không phải hình phạt tù", ông Bình nói.

Mặc dù đã có hướng dẫn như vậy, nhưng theo người đứng đầu ngành toà án, trên thực tế khi đi kiểm tra, không chỉ có ngành dọc viện hay toà, Bộ Công an, kể cả cơ quan của Quốc hội hay HĐND giám sát cũng đặt ra câu chuyện, án treo có vấn đề gì không.

"Khi gặp anh em vẫn nghi ngại về vấn đề này…", ông Bình nói.

"Những năm gần đây, việc áp dụng án treo có được nâng lên và với Nghị quyết mới của HĐTP TAND tối cao thì tình hình sẽ được cải thiện nhưng cũng phải thấy được việc là cần nhìn nhận vấn đề này khách quan hơn", ông Bình nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn