MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đề xuất chia sẻ dữ liệu dân cư có đi ngược luật pháp hiện hành?

Linh Trang LDO | 04/07/2018 13:30

Những ngày qua, đề xuất chia sẻ dữ liệu dân cư của thành phố Hà Nội được dư luận đặc biệt quan tâm. Nhiều người bày tỏ lo ngại, việc chia sẻ những dữ liệu này có vi phạm quyền riêng tư của công dân hay không?

Thu 300 tỉ đồng nhưng dân nặng nỗi lo

Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề xuất: Chính phủ cho Hà Nội được thí điểm thu giá dịch vụ việc cung cấp, chia sẻ các dữ liệu dân cư đối với các ngành như công chứng, ngân hàng và một số các lĩnh vực khác. Ông cho biết: Nếu được Chính phủ đồng ý, trước mắt mỗi năm thành phố Hà Nội dự kiến thu được trên 300 tỉ đồng từ việc chia sẻ dữ liệu này.

Phần đông người dân bày tỏ lo ngại: Việc chia sẻ những dữ liệu này có vi phạm quyền riêng tư của công dân hay không? Bên cạnh đó, theo Hiến pháp, pháp luật hiện hành đã có những quy định về bảo vệ bí mật cá nhân, vậy đề xuất này có đi ngược những quy định trên?

Phóng viên báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với nhiều luật sư tại Hà Nội và được biết đề xuất này còn nhiều điểm chưa hợp lý, tiềm ẩn rủi ro cho quyền lợi của công dân. 

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Nguồn: Dân Trí

Một đề xuất đi ngược pháp luật hiện hành?

Theo luật sư Nguyễn Hữu Toại - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, hiện nay, quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật thông tin công dân trong hệ thống pháp luật Việt Nam khá toàn diện và đầy đủ.

"Các quy định về bảo vệ bí mật cá nhân được nêu rõ tại Điều 21 Hiến pháp năm 2013, Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015, Điều 5 Luật Căn cước công dân năm 2014…".

Luật sư Toại khẳng định: "Nếu việc chia sẻ dữ liệu dân cư mà làm lộ bí mật cá nhân, bí mật gia đình là điều trái pháp luật, bởi lẽ theo tại điểm a khoản 1 Điều 5 Luật Căn cước công dân quy định công dân có quyền “được bảo đảm bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, trừ trường hợp cung cấp thông tin, tài liệu theo luật định”.

Đã là bí mật cá nhân thì cơ quan quản lý Nhà nước không có quyền bán. Nhà nước chỉ cung cấp dịch vụ công chứ Nhà nước không phải là đơn vị kinh doanh".

Đồng quan điểm trên, luật sư Bùi Đình Ứng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội quả quyết: TP Hà Nội không thể chia sẻ thông tin cá nhân cho các ngành khác để thu tiền vì nó vi phạm quy định tại Luật Tiếp cận thông tin có hiệu lực từ 1.7.2018. 

"Tại khoản 2 Điều 7 Luật này đã nêu rõ: Thông tin liên quan đến bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân được tiếp cận trong trường hợp người đó đồng ý. Người đứng đầu cơ quan nhà nước quyết định việc cung cấp thông tin liên quan đến bí mật kinh doanh, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong trường hợp cần thiết vì lợi ích công cộng, sức khỏe của cộng đồng theo quy định của luật có liên quan. 

Quan điểm của tôi, cung cấp, chia sẻ thông tin này để góp phần thu 300 tỉ đồng/năm là không đúng pháp luật! Tôi hy vọng, chính phủ xem xét kĩ bất cập của đề xuất này!".

Nghị định 137/2015/NĐ-CP, quy định chi tiết một số điều về việc thu thập, cập nhật, chỉnh sửa, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; sao lưu, phục hồi dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước công dân; cấu trúc số định danh cá nhân, trình tự, thủ tục cấp số định danh cá nhân và biện pháp thi hành Luật Căn cước công dân gồm xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hủy số định danh cá nhân, cấp, đổi, cấp lại, thu hồi, tạm giữ thẻ Căn cước công dân và trách nhiệm trong việc triển khai thi hành Nghị định này.

Quy định về thủ tục kết nối, chia sẻ thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư như sau:

a) Cơ quan quản lý các cơ sở dữ liệu quốc gia khác, cơ sở dữ liệu chuyên ngành có văn bản đề nghị được kết nối, chia sẻ thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gửi cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an, trong đó nêu rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và phạm vi, mục đích, nội dung thông tin, số lượng trường thông tin cần chia sẻ;

b) Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an căn cứ vào điều kiện kết nối quy định tại Khoản 2 Điều này và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý các cơ sở dữ liệu quốc gia khác, cơ sở dữ liệu chuyên ngành quyết định việc kết nối giữa cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;

c) Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu kết nối, chia sẻ thông tin, cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an quyết định việc kết nối, chia sẻ thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; nếu không đồng ý kết nối, chia sẻ thông tin thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều này thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chỉ được từ chối hoặc ngừng cho cơ quan, tổ chức kết nối, chia sẻ thông tin khi cơ quan, tổ chức đó thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Văn bản đề nghị kết nối, chia sẻ thông tin không xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến việc khai thác, sử dụng thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu;

b) Văn bản đề nghị kết nối, chia sẻ thông tin không xác định rõ phạm vi, mục đích khai thác, sử dụng thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu;

c) Làm lộ bí mật thông tin thuộc Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;

d) Truy nhập trái phép, làm thay đổi, xóa, hủy, phát tán thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn