MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đi xe đạp, đi bộ vẫn có thể bị phạt vì vi phạm luật giao thông

Quý An LDO | 04/04/2023 10:47

Một bộ phận người dân vẫn mang ý nghĩ rằng đi bộ hoặc đi xe đạp tham gia giao thông sẽ không bị phạt.

Cuối tháng 3, tổ công tác Y5/141 (Công an TP.Hà Nội) đã tiến hành kiểm tra nồng độ cồn đối với không chỉ ôtô, xe máy mà với cả người điều khiển xe đạp. Đại úy Vũ Cường - Tổ trưởng Y5/141 - cho biết, người đi xe đạp nếu sử dụng rượu, bia thì có thể bị xử phạt lên tới 600.000 đồng.

Ngày 29.3, lực lượng CSGT Công an huyện Yên Châu (tỉnh Sơn La) đã lập biên bản xử phạt với bà L.T.N. (SN 1976) với lỗi “Điều khiển phương tiện đi trên đường mà trong hơi thở có nồng độ cồn”.

Bà N chỉ là một trong số rất nhiều người tham gia giao thông với suy nghĩ đi bộ hoặc đi xe đạp sẽ không bị kiểm tra, xử lý. Kỳ thực, theo quy định tại Khoản 22 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008, người tham gia giao thông đường bộ bao gồm: Người điều khiển, người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển, dẫn dắt súc vật; người đi bộ trên đường bộ.

Trường hợp đi xe đạp bị xử phạt do phát hiện nồng độ cồn ở Sơn La. Ảnh: Cục CSGT

Theo luật gia Nguyễn Gia Hải (Công ty Luật TNHH Thái Hà), việc xử phạt nồng độ cồn đối với xe đạp không có gì bất ngờ bởi đây là chế tài đã được luật định.

Theo đó, Điều 8 Nghị định 100/2019, người đi xe đạp hay xe đạp điện có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/lít khí thở sẽ bị xử phạt từ 80.000 đến 100.000 đồng. Người vi phạm vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc quá 0,25 mg đến 0,4 mg/lít khí thở bị phạt 200.000-300.000 đồng. Nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở, mức phạt sẽ được tăng lên 400.000-600.000 đồng.

Bên cạnh đó, người đi xe đạp cũng có thể bị phạt hành chính từ 100.000-200.000 đồng đối với các hành vi như sau:

Điều khiển xe đạp, xe đạp máy buông cả hai tay; chuyển hướng đột ngột trước đầu xe cơ giới đang chạy; dùng chân điều khiển xe đạp, xe đạp máy; Không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông; Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông...

“Còn có một số lỗi khác có thể khiến xe đạp bị phạt. Tuy nhiên, những lỗi kể trên là những lỗi được cho là thường gặp nhất” – luật gia Nguyễn Gia Hải cho biết.

Người đi bộ cũng là một trong những thành phần tham gia giao thông đường bộ và cũng có những chế tài xử phạt riêng. Tại khoản 4 Điều 26, Điều 32 Luật Giao thông đường bộ và Điều 9, Điều 47 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người đi bộ có thể bị xử phạt qua các vi phạm sau:

Khung 60.000-100.000 đồng: Không đi đúng phần đường quy định; vượt qua dải phân cách; đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn; Không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, trừ hành vi người đi bộ đi vào đường cao tốc; Không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông; Mang, vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông; Đu, bám vào phương tiện giao thông đang chạy; Vượt rào chắn đường ngang, cầu chung khi đang dịch chuyển hoặc đã đóng; vượt qua đường ngang khi đèn đỏ đã bật sáng...

Khung 100.000-200.000 đồng khi đi vào đường cao tốc (trừ người phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn