MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Diễn biến mới vụ án “buôn lậu” siêu xe ở TPHCM: Nhiều tréo ngoe, toà lại trả hồ sơ

CAO HÙNG LDO | 16/05/2018 06:45
Ngày 25 và 26.2.2016, báo Lao Động từng đăng loạt bài điều tra “Kỳ quặc vụ án “buôn lậu” siêu xe ở TPHCM”. Nội dung phản ánh những bất cập, khi kết tội các bị cáo “buôn lậu” trong vụ án này. Mới đây, Toà án nhân dân (TAND) TPHCM tiếp tục trả hồ sơ để điều tra bổ sung…

Quyết định số 87/2018/HSST-QĐ ngày 6.4.2018 của TAND TP HCM đã quyết định trả hồ sơ vụ án đối với các bị can: Trần Phước Thạnh, Nguyễn Quang Vinh, Trần Thái Nguyên và Nguyễn Giang Lam – cùng bị truy tố về tội “buôn lậu”, bị can Bùi Khác Hà bị truy tố về tội “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, cho Viện Kiểm sát nhân dân (VKS) TPHCM để điều tra bổ sung.

TAND TP yêu cầu VKS  phải xác định lại điều luật truy tố  đối với các bị can trong vụ án. Xác định rõ các trường hợp bị can Nguyễn Giang Lam mua vé máy bay, đóng dấu, kiểm chứng xuất – nhập cảnh khống, tổ chức tour du lịch cho Việt kiều đi để hợp thức hoá hồ sơ nhập lậu xe… Toà cũng đề nghị làm rõ số tiền Nguyễn Giang Lam hưởng lợi bất chính là bao nhiêu,…

Theo hồ sơ vụ án, cơ quan tố tụng đã tỏ ra lúng túng, lúc cho Nguyễn Quang Vinh là “đầu vụ”; nhưng sau đó, lại đổ cho Nguyễn Giang Lam… chủ mưu trong vụ án(?). Cơ quan điều tra (CQĐT) và VKS chỉ dựa vào lời khai của Vinh, cùng với các văn bản thoả thuận mua bán suất nhập khẩu ôtô của Việt kiều với Vinh, do Lam viết hộ.

Từ đó, xác định Lam là người trực tiếp thoả thuận thuê và giới thiệu cho Vinh 36 Việt kiều, là sai phạm…. Song, những Việt kiều lại được quyền nhập một ôtô vào VN theo qui định tại Thông tư số: 118/2009 – TT-BTC ngày 9.6.2009 của Bộ Tài chính. Luật cũng không cấm cá nhân viết hộ trên các văn bản giao dịch dân sự,...

Phiên toà triệu tập một số chủ sa lon bán siêu xe ở TPHCM. Ảnh: C.H

CQĐT và VKS dựa vào tài liệu của Công ty Du lịch Vietravel cung cấp, cho rằng Lam viết và đăng ký, đóng tiền cho một Việt kiều, cùng với vợ, mẹ vợ - là người thân của Lam, đi du lich Thái Lan. Từ đó, xác định Lam giữ vai trò chủ mưu buôn lậu ôtô (?).

Thế nhưng lời khai của nhân viên Công ty Vietravel, tại cơ quan điều tra, cũng như Việt kiều trong chuyến du lịch Thái Lan, không có bất kỳ nội dung hay chứng cứ gì khác, thể hiện Lam tổ chức cho gia đình đi du lịch là nhằm mục đích mua bán xe qua biên giới.

Mặt khác, CQĐT và VKS đã dựa vào lời khai của Bùi Khắc Hà, là Hà đã đóng dấu kiểm chứng xuất nhập khẩu khống vào 17 hộ chiếu… Từ đó, kết luận Lam giữ vai trò chủ mưu trong vụ buôn lậu  ôtô (?).

CQĐT và VKS dựa vào lời khai duy của Nguyễn Quang Vinh, là mỗi một hồ sơ của Việt kiều, Vinh trả cho Lam 10.000 USD và tổng số là 36 Việt kiều. Từ đó, suy ra Lam hưởng lợi 360.000 USD. Lời khai trên của Vinh không có bằng chứng, cũng như người làm chứng việc Vinh có giao tiền cho Lam… Vì vậy, không bảo đảm tính khách quan để cáo buộc Lam đã nhận 360.000 USD.

Như báo Lao Động phản ánh, vụ án “buôn lậu” 54 chiếc ôtô đắt tiền, theo diện Việt kiều hồi hương kéo dài 4 năm. Tuy nhiên, qua 2 ký xét xử đã bị huỷ án, điều tra lại từ đầu. Nay, kết luận điều tra và cáo trạng mới vẫn không ổn, khi bị TAND TP HCM trả hồ sơ nhiều lần…

Trong lúc đó, một số bị cáo tỏ ra bức xúc, cho rằng cơ quan  tố tụng đã vội vã khởi tố vụ án, khởi tố và tạm giam các bị can, trong khi chưa đủ chứng cứ buộc tội; dẫn tới vụ án bế tắc như hiện nay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn