MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công an khám nghiệm ở Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Phước nơi ông Lương Hữu Phước nhảy lầu tự tử. Ảnh: Đình Trọng

Đình chỉ vụ án ông Lương Hữu Phước: Xử lý dân sự như thế nào?

Việt Dũng LDO | 07/12/2020 13:35
Xác định ông Lương Hữu Phước - bị can duy nhất trong vụ án tai nạn giao thông đã chết, cơ quan công an đình chỉ điều tra, song quyền lợi bị hại sẽ được giải quyết ra sao?

Vừa qua, Công an thành phố Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) đã ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đình chỉ điều tra với bị can Lương Hữu Phước. Ông Lương Hữu Phước được xác định là bị can duy nhất trong vụ án trên.

Việc đình chỉ trên là diễn biến sau khi TAND Cấp cao tại TPHCM trong phiên giám đốc thẩm đã ra quyết định huỷ 2 bản án (sơ thẩm và phúc thẩm) để điều tra lại.

Vấn đề được dư luận quan tâm khi vụ án, bị can được đình chỉ, không có bản án cuối cùng, vậy quyền lợi của bị hại được giải quyết thế nào?

Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Minh Long (Công ty Luật Dragon, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, vụ án trên, ông Lương Hữu Phước là bị cáo bị buộc tội gây tai nạn chết người. Bị cáo đã qua đời thì Cơ quan CSĐT có thẩm quyền sẽ đình chỉ điều tra vụ án, theo đó vụ án khép lại.

Nếu vụ án có bị hại bị xâm phạm tính mạng, sức khỏe thì khi vụ án bị đình chỉ điều tra thì yêu cầu được bồi thường dân sự trong hình sự sẽ không được giải quyết.

Theo ông Long, nếu bị cáo là người điều khiển phương tiện giao thông nhưng phương tiện này của bên thứ 3, thì dù vụ án bị đình chỉ nhưng bị hại vẫn có quyền khởi kiện một vụ án dân sự khác, yêu cầu chủ sở hữu phương tiện giao thông phải bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe. Yêu cầu khởi kiện này sẽ do Tòa Dân Sự có thẩm quyền thụ lý.

Trường hợp phương tiện giao thông được chủ sở hữu mua bảo hiểm xe của các tổ chức cung cấp dịch vụ bảo hiểm theo đúng quy định Luật Kinh doanh bảo hiểm thì bị hại vẫn khởi kiện chủ xe đòi bồi thường thiệt hại tính mạng, sức khỏe (nếu chứng minh được thiệt hại). Công ty bảo hiểm sẽ đứng ra bồi thường thay cho chủ phương tiện giao thông (nếu đáp ứng được các điều kiện về bồi thường bảo hiểm).

Liên quan đến vụ án, ông Nguyễn Hữu Thế Trạch (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng, cần áp dụng quy định tại Điều 235 BLTTHS 2015 để phục hồi điều tra vụ án.

Theo đó, CQĐT TP Đồng Xoài cần hủy bỏ quyết định đình chỉ điều tra, ra quyết định phục hồi điều tra. Đồng thời, đúng như nhận định của Hội đồng giám đốc thẩm, đây là vụ án phức tạp nên cần chuyển hồ sơ vụ án cho Công an tỉnh Bình Phước điều tra lại theo thủ tục chung.

Luật sư Trạch nói: Vụ việc dư luận đặc biệt quan tâm, cái chết của ông Phước từng khiến giới tố tụng giật mình. Nay với việc đình chỉ điều tra còn có điều chưa thỏa đáng. Như vậy sẽ khiến gia đình ông Phước không tâm phục khẩu phục, khiến dư luận xã hội khó đồng tình.

Theo nội dung vụ án, ngày 15.1.2017, ông Phước điều khiển xe máy chở ông Trần Hữu Quý về nhà. Khi đang sang đường thì xảy ra tai nạn với xe máy của anh Lâm Tươi (sinh năm 1997), khiến ông Quý tử vong sau đó.

Ngày 9.5.2017, ông Phước bị khởi tố để điều tra về hành vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

Trong gần 3 năm, qua 2 lần xét xử sơ thẩm và 2 phúc thẩm, các cấp tòa án ở Bình Phước vẫn giữ nguyên bản án tuyên phạt ông Phước 3 năm tù giam về tội danh trên.

Ngày 29.5, khi lên nhận bản án phúc thẩm lần 2 tại TAND tỉnh Bình Phước, ông Phước đã uống thuốc sâu sau đó nhảy lầu tự tử ngay trong khuôn viên trụ sở tòa án.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn