MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trong 3 ngày, Hải quan cùng các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 2 container đồ điện, đồ gia dụng đã qua sử dụng nhập lậu về cảng Cát Lái với mác "rổ nhựa". Ảnh: Trường Sơn

Đồ điện tử gia dụng “second hand“: Bị cấm nhưng vẫn "vô tư" nhập lậu

Trường Sơn LDO | 08/06/2017 20:35
Trong vòng 3 ngày, lực lượng chức năng TPHCM đã phát hiện 2 container chứa hàng trăm thiết bị điện tử, đồ gia dụng đã qua sử dụng nhập lậu vào Việt Nam bằng đường biển dưới cái mác là "rổ nhựa". Dù liên tục bị bắt nhưng với mức lợi nhuận khổng lồ khi biến hàng "bãi" thành hàng "xịn", các đầu nậu vẫn bất chấp vì mức lợi nhuận thu được quá lớn.

Hai lô hàng bạc tỉ đội lốt "rổ nhựa"

Để qua mặt các cơ quan chức năng, nhiều doanh nghiệp đã gian dối trong việc khai chủng loại hàng hóa nhập khẩu để tuồn các mặt hàng gia dụng, điện tử đã qua sử dụng về Việt Nam bán lại với mức chênh lệch rất lớn. Tiêu biểu như từ ngày 6 đến ngày 8.6, hai container hàng lậu đã bị Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn cùng các cơ quan hữu quan phát hiện, bắt giữ.

Video Hải quan cùng các lực lượng chức năng phát hiện bắt giữ container chứa hàng trăm thiết bị điện tử gia dụng "second hand" tại cảng Cát Lái chiều 8.6:

 

Theo đó, vào ngày 6.6, do nghi vấn container của Cty TNHH Thương mại Dịch vụ vận tải giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu Trọng Nguyễn (trụ sở tại TPHCM) nhập về từ Nhật Bản vào ngày 24.5, Chi cục Hải quan cửa khảu Cảng Sài Gòn đã phối hợp cùng các đơn vị hữu quan đưa container này đi soi chiếu và tiến hành kiểm tra thực tế.

Qua đó, phát hiện trong container này chứa hàng trăm thiết bị điện gia đụng, đồ điện tử đã qua sử dụng, gồm 47 tủ lạnh, 80 bộ điều hòa không khí, 50 máy rửa chén, 70 nồi cơm điện. Theo các đơn vị chức năng thì tất cả số hàng này đều đã qua sử dụng, thuộc diện cấm nhập khẩu.

Hàng chục bộ máy điều hòa không khí trong container hàng lậu mới bị phát hiện chiều 8.6 tại cảng Cát Lái. Ảnh: Trường Sơn

Tiếp sau đó, vào chiều ngày 8.6, thêm 1 container nghi vấn nữa do Cty TNHH Thương mại Dịch vụ vận tải giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu Trí Nguyễn, trụ sở tại quận Tân Bình khai báo là mặt hàng rổ nhựa, nhập từ Nhật Bản về Việt Nam qua cảng Cát Lái. Tiến hành kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện có hàng trăm thiết bị gia dụng như máy lạnh, máy giặt, bộ điều hòa không khí, tủ lạnh, thậm chí cả máy ảnh đã qua sử dụng.

Số nồi cơm điện, tủ lạnh, máy giặt đã qua sử dụng nhập lậu này vốn là "hàng bãi" tại các nước phát triển nhưng khi được nhập về Việt nam, chúng được bán một cách lén lút với giá trị cao gấp nhiều lần. Ảnh: Trường Sơn

Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu Sài Gòn Khu vực 1, thời gian qua, đơn vị đã liên tiếp phát hiện nhiều thủ đoạn buôn lậu với hình thức tương tự, chủ yếu là mặt hàng điện lạnh, điện tử, xe máy đã qua sử dụng. Để qua mặt các cơ quan chức năng, các Cty pháp nhân thường khai là rổ nhựa để được phân luồng xanh. Tuy nhiên, khi phát hiện nghi vấn, Hải quan đã phối hợp cùng các lực lượng đưa các container vào diện giám sát trọng điểm và tiến hành soi chiếu để ngăn chặn việc thẩm lậu số hàng này vào thị trường nội địa.

Các loại hàng "second hand" này sẽ về đâu?

Theo một lãnh đạo lực lượng quản lý thị trường một quận vùng ven TPHCM, đơn vị ông liên tục phát hiện, bắt giữ và xử phạt các đơn vị, cá nhân kinh doanh các mặt hàng gia dụng đã qua sử dụng này. Trong số các mặt hàng bị thu giữ, đa phần là hàng điện lạnh như máy điều hòa không khí, tử lạnh và nồi cơm điện... Các mặt hàng này thường được bày bán trong các cửa hàng điện máy nhỏ phục vụ cho các đối tượng thu nhập thấp như công nhân, sinh viên. Tuy nhiên, cũng có trường hợp cơ quan quản lý thị trường phát hiện nhiều đơn vị kinh doanh lớn lén lút bán các mặt hàng bị cấm này cho người tiêu dùng.

Hàng đã qua sử dụng bị lực lượng chức năng bắt giữ. Ảnh: Trường Sơn
Các tủ lạnh "side by side" loại lớn này được bán với giá hàng chục triệu đồng trên thị trường nếu qua được sự kiểm soát của các cơ quan chức năng. Ảnh: Trường Sơn

Theo các cơ quan chức năng thì việc xử phạt các trường hợp mua bán hàng điện tử gia dụng đã qua sử dụng nhập lậu gặp nhiều khó khăn vì mức phạt hiện nay chưa đủ sức răn đe người nhập lậu cũng như người buôn bán. Theo Nghị định 185/NĐCP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì mức phạt cao nhất cho hành vi bán hàng cấm chỉ dừng ở mức 40-50 triệu đồng cho pháp nhân nếu giá trị lô hàng trên 100 triệu đồng, với cá nhân thì mức phạt sẽ thấp hơn, nếu lô hàng  không chạm đến mức bị truy tố hình sự.

Với mức lợi nhuận rất lớn từ việc kinh doanh, nhập khẩu mặt hàng trên thì đây là mức phạt như "ném đá ao bèo", các đầu nậu sẵn sàng để cơ quan quản lý thị trường tịch thu, xử phạt vì chỉ cần lọt được 1 lô hàng thì đã có trong tay hàng tỉ đồng lợi nhuận.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn