MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa Internet.

Doanh nhân cùng anh trai bị truy tố tội Buôn lậu

Việt Dũng LDO | 31/01/2020 11:45
Bị can Nguyễn Văn Sơn cùng anh trai và nhân viên bị cáo buộc buôn lậu hàng chục tấn nhựa phế liệu từ Mỹ, Đức, Australia... về để bán, thu lời hàng tỉ đồng.

Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Tối cao đã ra cáo trạng truy tố Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Đức Trường, Dương Văn Phương và một bị can cùng về tội Buôn lậu.

VKSND Tối cao ủy quyền cho VKSND tỉnh Ninh Bình thực hiện quyền công tố, kiểm sát tại phiên tòa sơ thẩm.

Theo cáo buộc, doanh nghiệp tư nhân sản xuất bao bì Trường Thịnh do Nguyễn Văn Sơn làm giám đốc được Sở Tài nguyên và Môi trường Ninh Bình cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu, có giá trị từ 18.8.2014-18.8.2017.

Bị can Sơn đã giao cho anh trai Nguyễn Đức Trường và Dương Văn Phương cùng là nhân viên, tìm nguồn hàng, làm các thủ tục nhập khẩu phế liệu nhựa. Từ năm 2015 đến giữa năm 2016, doanh nghiệp được Sở cấp 62 thông báo lô hàng phế liệu nhập khẩu để kiểm tra, thông quan.

Trong thời gian trên, Sở đã hai lần kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, và yêu cầu sử dụng toàn bộ phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất tại cơ sở, không được thương mại hóa, bán cho các đơn vị khác…

Ngày 24.5.2016, Sở này có văn bản sẽ không ra thông báo lô hàng phế liệu nhập khẩu để kiểm tra thông quan, do việc doanh nghiệp đã nhập hơn 115 tấn trước đó đã đủ để sản xuất trong năm 2016.

Do không được Sở cấp thông báo lô hàng phế liệu nhập khẩu để kiểm tra, thông quan nên Trường nói cho Phương biết. Phương đề xuất: Sở không cấp thì làm giả thông báo lô hàng nhập khẩu phế liệu kiểm tra, thông quan và làm giả luôn Xác nhận ký quỹ, phong tỏa của Ngân hàng.

Về nguồn hàng, Trường thông qua các mối quan hệ kinh doanh trước đó ở TP.Hồ Chí Minh, Hải Phòng, hoặc các khách hàng đã nhập phế liệu từ Đức, Australia, HongKong, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc… về Việt Nam.

Sau khi có thông tin tàu của các công ty bán phế liệu cho doanh nghiệp, Trường nói với Sơn ký, đóng dấu khống chi vào một số tờ giấy A4 rồi giao cho Phương làm giả hợp đồng, Thông báo lô hàng nhập khẩu phế liệu để kiểm tra, thông quan và Giấy xác nhận ký quỹ, phong tỏa của ngân hàng để làm thủ tục thông quan.

Phương còn trực tiếp lập khống các bộ hồ sơ, hợp đồng mua bán cho doanh nghiệp với đối tác nước ngoài. Bị can cũng là người làm thủ tục chuyển tiền ra nước ngoài.

Với việc làm giả các giấy tờ trên, doanh nghiệp đã nhập khẩu trái phép gần 42 tấn nhựa phế liệu, trị giá hơn 85 tỉ đồng. Trường và Phương phải chịu trách nhiệm hình sự với số lượng hàng nhập khẩu trái phép này. Sơn phải chịu trách nhiệm hình sự với lô hàng hơn 25 tấn phế liệu.

Đối với hành vi làm giả giấy tờ, cơ quan chức năng xác định, đây là phương thức thủ đoạn để buôn lậu, nên không xem xét như là một tội phạm độc lập.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn